Kinh tế thế giới tốt hơn kỳ vọng, dòng tiền toàn cầu đang đổ mạnh vào cổ phiếu
Dòng tiền vào các Quỹ cổ phiếu toàn cầu vào ròng 42,9 tỷ USD trong tháng 7, tăng 62% so với tháng 6 và ghi nhận là tháng vào ròng thứ 3 liên tiếp. Tính chung từ đầu năm đến nay, các Quỹ cổ phiếu đã thu hút được 83,9 tỷ USD, khi các số liệu kinh tế đang chỉ ra tích cực hơn kỳ vọng...
Báo cáo dòng vốn đầu tư toàn cầu được thực hiện bởi SSI Research cho thấy, tâm lý đầu tư tiếp tục có sự cải thiện trong tháng 7 và dòng tiền giải ngân tích cực hơn vào các tài sản rủi ro nhờ kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ hạ cánh mềm trong năm 2023.
Dòng tiền vào các Quỹ cổ phiếu toàn cầu vào ròng 42,9 tỷ USD trong tháng 7, tăng 62% so với tháng 6 và ghi nhận là tháng vào ròng thứ 3 liên tiếp. Tính chung từ đầu năm đến nay, các Quỹ cổ phiếu đã thu hút được 83,9 tỷ USD, khi các số liệu kinh tế đang chỉ ra tích cực hơn kỳ vọng.
Quỹ trái phiếu duy trì cường độ vào ròng tháng thứ 7 liên tiếp, vào ròng 43,1 tỷ USD và tăng 66% so với tháng 6. Tính chung từ đầu năm đến nay, các Quỹ trái phiếu đã thu hút được 179 tỷ USD. Quỹ tiền tệ đảo chiều vào ròng 124,4 tỷ USD, sau khi rút ròng nhẹ - 14,6 tỷ USD trong tháng 6.
Khảo sát mới nhất từ BofA tiếp tục cho thấy các nhà quản lý quỹ duy trì sự thận trọng. Trên thực tế, có tới 60% số lượng khảo sát cho rằng kinh tế thế giới sẽ cho thấy tín hiệu suy yếu dần trong thời gian tới, mặc dù 68% tin tưởng rằng “hạ cánh mềm” sẽ xảy ra. Điều này cũng tương đồng với chiến lược phân bổ tài sản tài chính và đồng nghĩa là các Quỹ trái phiếu và tiền tệ vẫn thu hút được dòng tiền vào ròng trong khi dòng tiền vào các Quỹ cổ phiếu sẽ phân hóa đối với nhóm nước phát triển và đang phát triển.
Quán tính tích cực của thị trường Mỹ giúp dòng tiền vào cổ phiếu tại các thị trường phát triển (DM) vào ròng tháng thứ 2 liên tiếp, trong khi kết quả kém tích cực của kinh tế Trung Quốc khiến dòng tiền vào thị trường mới nổi (EM) phân hóa trong tháng 7.
Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu DM vào ròng 32,5 tỷ USD trong tháng 7 – tăng 70% so với tháng 6. Cụ thể, quán tính tích cực từ thị trường Mỹ (S&P500 tăng 20,7% so với cuối năm 2022 và tăng 3,2% cho tháng 7) nhờ các dữ liệu tích cực hơn so với kỳ vọng. Dòng tiền vào thị trường Mỹ vào ròng 31,5 tỷ USD – gần gấp 2 lần so với tháng trước.
Phân bổ tỷ trọng vào thị trường Mỹ đang khá phân hóa khi nhiều quỹ chủ động vẫn cho rằng dư địa tăng trưởng của thị trường này đang khá hạn chế cho thời gian còn lại của năm và rút ròng 22 tỷ USD, dòng tiền các quỹ ETF vào ròng tới 54 tỷ USD nhờ tính đa dạng của thị trường này.
Dòng vốn vào cổ phiếu EM vào ròng 10,4 tỷ USD trong tháng 7, tăng nhẹ so với tháng 6. Triển vọng kém tích cực của nền kinh tế Trung Quốc khiến dòng tiền không có nhiều bứt phá, chỉ vào ròng 10,3 tỷ USD và tập trung vào nửa cuối tháng 7 khi kỳ vọng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính phủ Trung Quốc.
Trái ngược, dòng tiền vào các thị trường mới nổi Châu Á khác vẫn khá tích cực nhờ việc muốn phân bổ danh mục đầu tư từ các quỹ như Ấn Độ (+3,2 tỷ USD), Việt Nam (+88,5 triệu USD) hay Hàn Quốc (+72,8 triệu USD). Đáng chủ ý, dòng tiền vào Đài Loan đảo chiều mạnh trong tháng 7 (rút ròng 2,1 tỷ USD) có thể do lo ngại địa chính trị với Trung Quốc.
Nhìn chung, dòng tiền vào quỹ cổ phiếu toàn cầu vẫn ở trạng thái phân hóa khi thị trường cổ phiếu đang ở trạng thái chuyển giao và chưa chính thức bước sang giai đoạn tăng trưởng. Việc phân bổ dòng tiền sẽ có sự phân hóa đáng kể giữa các quỹ dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro và nhiều khả năng thị trường EM (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ tiếp tục thu hút lớn dòng tiền từ các quỹ chủ động do dư địa tăng trưởng của thị trường Mỹ hiện tại đang khá hạn chế.