Kinh tế toàn cầu khởi sắc đang gây sức ép giảm giá đồng USD
“Tăng trưởng toàn cầu duy trì mạnh mẽ sẽ khiến đồng USD bị giữ trong xu hướng đi xuống”
Bất kỳ khi nào đồng USD phục hồi ở thời điểm hiện nay, thì đó đều nên được xem là một cơ hội tốt để bán ra - hãng tin Bloomberg dẫn khuyến nghị của một số nhà dự báo ở Phố Wall.
Được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index tăng 0,5% trong phiên ngày thứ Hai, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong 3 tháng. Tuy nhiên, theo các chiến lược gia tiền tệ của UniCredit, JPMorgan Chase và Morgan Stanley, sự hồi phục này của đồng bạc xanh có thể nhanh chóng đảo chiều bởi sự tăng tốc của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy tỷ giá các đồng tiền khác tăng so với USD.
Dù hồi phục trong phiên đầu tuần, đồng USD vẫn giảm giá so với 16 đồng tiền chủ chốt khác trong vòng 1 tháng trở lại đây, và chỉ số Dollar Index của Bloomberg hiện đã giảm hơn 12% kể từ mức cao thiết lập vào tháng 1/2017. Áp lực mất giá đối với USD một phần đến từ tăng trưởng kinh tế ở châu Âu, Nhật Bản và một số nơi khác, và diễn ra thậm chí cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ.
"Tỷ giá USD sẽ còn đi xuống trong vài quý tới", ông Vasileios Gkionakis, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược ngoại hối thuộc UniCredit tại London, phát biểu. Theo chuyên gia này, đồng USD tăng giá hôm thứ Hai chẳng qua là do giới bán khống mua vào để chốt lời sau mấy tuần tỷ giá đồng tiền này giảm liên tục.
UniCredit đã nâng dự báo tỷ giá đồng Euro so với USD vào cuối năm 2018 lên mức 1,32 USD/Euro, so với dự báo trước đó là 1,25 USD/Euro. Sáng ngày 30/1 tại thị trường châu Á, tỷ giá Euro/USD dao động quanh mức 1,2375 USD/Euro.
"Tăng trưởng toàn cầu duy trì mạnh mẽ sẽ khiến đồng USD bị giữ trong xu hướng đi xuống", các chiến lược gia của Morgan Stanley nói trong một báo cáo. "Có vẻ như dự báo tỷ giá Euro/USD đạt mức 1,33 USD/Euro vào cuối năm 2019 sẽ trở thành hiện thực sớm hơn kỳ vọng", chiến lược gia Hans Redeker của Morgan Stanley nhận định.
Bloomberg dẫn số liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho hay, trong 4 tuần liên tiếp tính đến thứ Ba tuần trước, các quỹ đã tăng trạng thái ròng đầu cơ giá xuống đồng USD. Trong tuần trước, số trạng thái đầu cơ giá xuống USD nhiều hơn số trạng thái đầu cơ giá lên là 131.702 trạng thái, mức chênh lệch lớn nhất kể từ giữa tháng 12.
Theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase, đồng USD đang chịu sức ép bởi những rủi ro chính trị ở Washington, cũng như những đồn đoán về khả năng thắt chặt chính sách tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). JPMorgan Chase khuyến nghị nhà đầu tư đặt cược vào sự mất giá của đồng USD so với đồng Franc Thụy Sỹ cùng một loạt đồng tiền khác.
"Áp lực giảm giá đối với USD khó có thể suy suyển trong thời gian tới" và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói muốn một đồng USD mạnh hơn "ít khả năng khiến tỷ giá USD hồi phục", báo cáo của JPMorgan Chase nhận định. Báo cáo này cũng nói rằng "xung lực kinh tế và chính sách tại các quốc gia khác đều đang không có lợi cho USD".