06:00 30/06/2022

Kinh tế TP.HCM phục hồi theo hình chữ V

Mộc Minh

6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ…

Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM phục hồi sớm hơn so với kỳ vọng.
Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM phục hồi sớm hơn so với kỳ vọng.

Tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 của UBND TP.HCM tổ chức ngày 29/6/2022, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết kinh tế - xã thành phố đã phục hồi sớm hơn so với kỳ vọng, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ.

Đây là điều đáng mừng, vì từ mức giảm sâu ở quý 3/2021 (-24,97%) và quý 4/2021 (-11,64%), trong 6 tháng đầu năm 2022 kinh tế TP.HCM đã tăng trưởng dương ở mức 3,82% (riêng quý 2/2022 ước tăng 5,73%), phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2022 - Ảnh: SG.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2022 - Ảnh: SG.

Về tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,77%; công nghiệp - xây dựng tăng 2,23%; thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất 4,83%...

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì mức tăng trưởng dương từ tháng 2/2022 đến nay, tuy tốc độ tăng còn chậm nhưng đã có sự hồi phục tương đối đồng đều giữa các ngành; 20/30 ngành công nghiệp cấp hai có mức tăng trưởng dương. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số IIP ước tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, sau thời gian chững lại trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng trở lại. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 238.600 tỷ đồng tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng 17,49% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, các khu vực kinh tế tăng trưởng chưa cao, chưa tận dụng hết dư địa để phát triển. Một số ngành có chỉ số lao động giảm như: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 36,3%; sản xuất đồ uống giảm 22,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hoá chất giảm 21,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,6%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng; chỉ số cải cách hành chính còn thấp. So với năm 2020, chỉ số cải cách hành của TP.HCM đã tụt hạng, hạng 43 so với hạng 23 của năm 2020.

Riêng về khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực được đánh giá còn thấp, chưa đạt kế hoạch. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, một phần nguyên nhân là những vướng mắc, cản trở về thể chế, chính sách nói chung. Nhưng mặt khác, môi trường đầu tư còn chưa hấp dẫn, trong đó, có nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong phối hợp giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, tài sản công còn mất nhiều thời gian.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM (đứng) cho rằng những vướng mắc về thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến hấp thu vốn - Ảnh: SG.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM (đứng) cho rằng những vướng mắc về thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến hấp thu vốn - Ảnh: SG.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, những vướng mắc về thủ tục hành chính vẫn là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến hấp thu vốn, kể cả giải ngân đầu tư công và hấp thu vốn đầu tư xã hội, khiến cho dòng tiền không chảy được vào sản xuất kinh doanh, không tạo được việc làm, giá trị kinh tế…

Chủ tịch cũng thừa nhận rằng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nay không chỉ hoàn thành chỉ tiêu cả năm mà còn chuẩn bị nền tảng, tạo đà tốt để tăng tốc trong năm 2023.

“Cần phải nhận diện rõ các vướng mắc để 6 tháng cuối năm, từng cơ quan, đơn vị của thành phố tập trung tháo gỡ. Việc này nhằm đảm bảo giải quyết nhanh các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, từ đó đẩy nhanh phục hồi, đạt được quán tính để tăng tốc trong năm 2023”, ông Mãi nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, cần đẩy mạnh xử lý giá, bình ổn thị trường, nhất là mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu. Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết các tồn tại khó khăn trong thực hiện các gói an sinh xã hội để hỗ trợ cho các hộ sản xuất kinh doanh…