10:00 16/11/2023

Kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững

Phan Anh

Kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn để giúp nhân loại giải quyết được những thách thức đang đặt ra và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khai mạc Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023. Ảnh: Việt Dũng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khai mạc Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023. Ảnh: Việt Dũng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh điều này trong phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề: "Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn” diễn ra sáng ngày 16/11/2023".

GIẢI PHÁP XANH CHO NỀN KINH TẾ BỀN VỮNG

Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, đã đưa ra một kế hoạch chung về hòa bình và thịnh vượng cho con người và hành tinh của chúng ta trong hiện tại và trong tương lai, kêu gọi hành động khẩn cấp của tất cả các quốc gia trong bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu hướng tới một nền kinh tế carbon trung tính, không phát thải vào năm 2050.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, các sáng kiến về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn… là những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để ứng phó với thách thức về cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đe dọa đến sự phát triển bền vững.

Kinh tế tuần hoàn đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn để giúp nhân loại giải quyết được những thách thức đang đặt ra và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Việt Dũng.
Kinh tế tuần hoàn đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn để giúp nhân loại giải quyết được những thách thức đang đặt ra và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Việt Dũng.

Trong đó, kinh tế tuần hoàn đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn để giúp nhân loại giải quyết được những thách thức đang đặt ra và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Đáng chú ý, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Đây được coi là một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế bền vững, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thế giới.

Phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu dài, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.

“Phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

CÁC DOANH NGHIỆP GÓP PHẦN QUAN TRỌNG HIỆN THỰC HÓA KINH TẾ TUẦN HOÀN

Từ thực tế phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ trong gần 40 năm qua đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Trước thực trạng trên, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, các Nghị quyết của Đảng về các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, nông nghiệp- nông thôn-nông dân, phát triển các vùng... đã có định hướng rõ nét. 

 
Phải tạo ra không gian mở và không tạo ra các rào cản để các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu dùng một cách thuận lợi nhất...

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định kinh tế tuần hoàn là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, biện pháp, trách nhiệm và lộ trình, các cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Để hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn để cụ thể hóa lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn được giao tại Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cuối năm nay.

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và có tính liên ngành, trong xây dựng kế hoạch hành động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định một trong những nguyên tắc căn bản phải đúng với định hướng của Đảng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường; góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra có liên quan đến kinh tế tuần hoàn; Phù hợp với kinh nghiệm và xu hướng chung của quốc tế, khu vực ASEAN.

Cùng với đó phải tạo ra không gian mở và không tạo ra các rào cản để các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu dùng một cách thuận lợi nhất.

Ban soạn thảo đã vận dụng các cách tiếp cận một cách hệ thống và bao trùm; vận dụng các quy luật và động lực thị trường; liên ngành và liên vùng; từ trên xuống dưới; đặc biệt từ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Nhân khẳng định: “kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng”.

Do vậy, ông Nhân mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam để thúc đẩy chuyển đổi sang kinhh tế tuần hoàn trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động. Cùng với đó, ông cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm để hiện thực hóa các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030.

 
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn gửi lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.
Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa các bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 03 nhóm. Dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn xác định gồm 5 chủ đề, 17 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 56 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
Dự thảo kế hoạch đề xuất 35 nhóm vật liệu, sản phẩm, chất thải và dịch vụ thuộc 9 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn phân theo lộ trình đến năm 2030.