10:44 04/04/2025

Giáo dục và lực lượng lao động: “Chìa khóa” định hình tương lai FDI trong kỷ nguyên mới

Vân Nguyễn

Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang chứng kiến sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, mở ra các cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút FDI, liệu lực lượng lao động có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu các ngành công nghệ cao và sản xuất tiên tiến?...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh châu Á đang chuyển mình khi các chuỗi cung ứng chuyển dịch ngang dọc khắp khu vực này, người ta thường quan niệm rằng đầu tư nước ngoài sẽ đi kèm với nhiều cơ hội việc làm tốt mở ra cho người dân địa phương. Đơn cử, Apple đang xây dựng cơ sở mới ở Indonesia hay Samsung đầu tư lớn vào Việt Nam.

Song, câu hỏi đặt ra là liệu lực lượng lao động địa phương có đáp ứng những kỹ năng cần thiết để được tuyển vào làm tại các cơ sở tiên tiến này hay không. Trong bối cảnh đó, giáo dục đóng một vai trò quan trọng để thoát khỏi cái mác “nền sản xuất chất lượng thấp, lương thấp”.

GIÁO DỤC: NỀN TẢNG ĐỂ PHÁT TRIỂN LAO ĐỘNG VÀ THU HÚT ĐẦU TƯ

Theo phân tích của Ngân hàng HSBC, tăng trưởng kinh tế một nước được thúc đẩy đáng kể nếu hầu hết học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Nhờ vậy, nhiều startup ra đời, năng suất lao động được cải thiện và GDP theo đầu người cũng tăng lên đáng kể.

“Ở thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia châu Á chưa đạt đến mức độ này. Chỉ một số thực sự nổi bật, bao gồm Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Những nước này đạt được thành tích tốt về giáo dục và là minh chứng rằng những cải thiện nhỏ trong lĩnh vực đó có thể kéo theo nhiều lợi ích về kinh tế lớn lao hơn”, ông Herald van der Linde, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu, châu Á - Thái Bình Dương, HSBC nhận định.

 
Ông Herald van der Linde, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu, châu Á - Thái Bình Dương, HSBC.
Ông Herald van der Linde, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu, châu Á - Thái Bình Dương, HSBC.

“Thực tế, Việt Nam đang làm tốt, điều đó lý giải vì sao Việt Nam vẫn đang thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Tình hình nhìn chung rất tích cực đối với Việt Nam. Về lâu về dài, chất lượng giáo dục ưu tú là một trong những cách tốt nhất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững”.

Song, ông Herald van der Linde cho rằng câu chuyện không chỉ đơn thuần xoay quanh việc làm sao để tăng số lượng học sinh hoàn thành bậc giáo dục phổ thông. Mấu chốt còn nằm ở chất lượng giáo dục. Một thước đo quan trọng chính là thang điểm đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy ASEAN và Nam Á cần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục. Chỉ khi đó, các khu vực này mới có thể khai thác tiềm năng đến từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng.

“Xét về mặt này, Việt Nam đang có kết quả đặc biệt tốt, gần theo kịp tiêu chuẩn giáo dục của các quốc gia đã phát triển. Kết quả điểm PISA mới nhất của Việt Nam có thể sánh với Pháp”, ông Herald van der Linde nhận định.

Mặt khác, tại châu Á, nhiều phụ huynh ý thức rất rõ về khoảng cách giáo dục này. Để được hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn, họ tìm cách cho con đi du học. Số lượng sinh viên quốc tế đến các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Rất nhiều trong số đó đến từ các quốc gia khác ở châu Á. Dù vật, đây chủ yếu là lựa chọn của những gia đình có điều kiện chi trả cho chi phí du học đắt đỏ ở nước ngoài.

Vấn đề trước mắt là phần lớn lực lượng lao động của châu Á không được hưởng giáo dục bậc cao hoặc bậc phổ thông trung học, trong khi thị trường vẫn cần nhiều nhân lực có tay nghề cao được trang bị đầy đủ kỹ năng để xử lý được công việc phức tạp trong những ngành tiên tiến hơn.

Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu, châu Á - Thái Bình Dương, HSBC, cho rằng có thể thấy Việt Nam có nhiều cơ hội lớn để đi trước các nước khác trong việc đầu tư cải thiện giáo dục.

YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH VIÊN VIỆT

Những cơ hội đầu tư và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng không chỉ đòi hỏi cải thiện chất lượng giáo dục mà còn đặt ra câu hỏi về kỳ vọng của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng thu hút FDI nhờ vào sự phát triển của nền giáo dục, việc nắm bắt những mong muốn và định hướng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên đang trở thành yếu tố quan trọng để tối ưu hóa tiềm năng lao động trong tương lai.

Trong một khảo sát khác của Hiệp hội Chuyên gia Thẩm định rủi ro Hoa Kỳ (SOA), khoảng 35% học sinh, sinh viên Việt Nam cho biết cơ hội thăng tiến là mong muốn hàng đầu khi lựa chọn nghề nghiệp, tiếp theo là cơ hội việc làm dồi dào với 27% và thử thách về mặt trí tuệ với 26%.

Ông Andy Peterson, Giám đốc điều hành Quốc tế tại SOA, nhận định: “Học sinh, sinh viên Việt Nam được thúc đẩy bởi khát vọng sự nghiệp nhưng cũng tìm kiếm sự đảm bảo cho công việc và an toàn tài chính, bên cạnh nhu cầu chăm sóc và làm rạng danh gia đình, cũng như đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống”.

Khi được hỏi về mục tiêu cuộc sống ưu tiên, các yếu tố quan trọng nhất đối với học sinh, sinh viên Việt Nam là theo đuổi công việc mơ ước với 33%, trở thành một trong những người giỏi nhất trong nghề/lĩnh vực của mình là 32% và sự ổn định tài chính gắn liền với việc duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống là 31%.

Ngoài ra, về thái độ đối với nghề nghiệp và giáo dục, 68% học sinh, sinh viên Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến một ngành nghề có đóng góp tích cực cho xã hội và 65% muốn một sự nghiệp mà chỉ ít người có khả năng đạt được.

Các chuyên gia tại SOA cho rằng khi các ngành bảo hiểm, tài chính và công nghệ của Việt Nam tiếp tục phát triển, nhu cầu về các chuyên gia phân tích rủi ro và định phí bảo hiểm có tay nghề cao đang tăng lên, tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển và ổn định đối với sự nghiệp. Ngành nghề này cũng cung cấp nhiều lợi ích hấp dẫn, bao gồm tiềm năng thu nhập cao và cơ hội thăng tiến, đồng thời tính nghiêm ngặt của các kỳ thi cũng thu hút những cá nhân kiệt xuất tìm kiếm các thử thách thú vị.

 

Khảo sát được tiến hành trực tuyến qua máy tính, máy tính bảng và điện thoại di động bằng tiếng Anh. Với tổng cộng 100 ứng viên tham gia khảo sát tại Việt Nam, các phản hồi được ghi nhận theo giới tính, thu nhập, trình độ học vấn, nghề nghiệp của người trưởng thành trong gia đình và tính cách để đảm bảo tính đa dạng của chủ thể tham gia trong báo cáo.