11:24 01/04/2009

Kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm: “Hồng” hay “xám”?

Dương Ngọc

Một góc nhìn trung hòa về bức tranh kinh tế Việt Nam quý 1 năm nay, với kết quả và nguyên nhân tăng, giảm trên từng lĩnh vực

Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 1,5% trong quý đầu năm - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 1,5% trong quý đầu năm - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhận xét về kinh tế Việt Nam quý 1/2009, các chuyên gia có hai sự đánh giá khác nhau.

Có loại ý kiến nghiêng về màu xám, có ý kiến nghiêng về màu hồng.

Tích cực


Nhìn tổng quát, kinh tế quý 1 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Gọi là tích cực bởi kết quả đạt được trong điều kiện khó khăn ở trong nước cộng hưởng với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, đạt được khi so sánh với các nước khác.

Kết quả tích cực được thể hiện trên các mặt sau. Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng dương, trong điều kiện hầu hết các nền kinh tế trên thế giới bị suy giảm mạnh. Tăng trưởng dương đạt được ở cả ba nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản có giá trị sản xuất tăng 0,9%, giá trị tăng thêm tăng 0,4%, tạo nên sự ổn định cơ bản của nền kinh tế.

Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng 1,5%, trong đó ngành xây dựng nếu năm trước bị giảm thì quý I này đã tăng khá (6,9%) - kết quả tích cực của kích cầu đầu tư và là tín hiệu tăng trưởng đón đầu kinh tế phục hồi.

Nhóm ngành dịch vụ thông thường bị tác động lớn nhất của khủng hoảng nhưng vẫn tăng trưởng khá (5,4%), chứng tỏ sự cố gắng của các ngành trong nhóm ngành này.

Thứ hai, lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp. Tháng 1 tăng thấp, tháng 2 tăng cao hơn, tháng 3 giảm, nên tính chung 3 tháng tăng thấp so với cùng kỳ của mấy năm trước. Đây cũng là tốc độ tăng thấp hơn mức lãi suất gửi tiền tiết kiệm, nên lãi suất tiếp tục thực dương.

Thứ ba, tiêu thụ trong nước đã có dấu hiệu phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,9%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ năm trước (14,47%), thì tăng xấp xỉ 6,5%.

Tốc độ tăng này là kết quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng, vừa góp phần bù đắp cho sự sụt giảm tốc độ tăng của xuất khẩu, vừa góp phần làm cho tăng trưởng giá trị tăng thêm của nhóm ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng chung và kéo tốc độ tăng trưởng chung cao hơn tốc độ tăng của hai nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng.

Thứ tư, xuất khẩu tăng 2,4%, trong đó của khu vực kinh tế trong nước tăng khá cao (40,3%); xuất khẩu một số nông sản tăng khá, như gạo (tăng 71,3% về lượng, tăng 76,2% về kim ngạch), sắn và sản phẩm của sắn tăng 123,4%, hạt tiêu (tăng 64,5% về lượng và tăng 15,5% về kim ngạch), chè (tăng 10,2% về lượng và tăng 10,5% về kim ngạch),...

Việt Nam đã chuyển từ vị thế nhập siêu sang xuất siêu trong quý 1; khả năng cả năm không nhập siêu lớn.

Nhưng chưa khả quan

Tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Sự  sụt giảm thể hiện ở cả 3 nhóm ngành, trong đó 2 nhóm ngành sản xuất - nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản và nhóm ngành công nghiệp - xây dựng - là hai nhóm ngành thuộc kinh tế thực đã bị sụt giảm sâu hơn.

Điều quan trọng là kinh tế quý I đã là đáy chưa? Nếu chưa là đáy, thì có nghĩa là sẽ còn tăng thấp hơn ở quý II; nếu là đáy rồi thì hy vọng sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn trì trệ trong trong quý 2 để hồi phục dần từ quý 3, quý 4.

Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư đang bị đe dọa là sẽ tiếp tục giảm. Tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 116,3 nghìn tỷ đồng GDP theo giá thực tế ước đạt 311,4 nghìn tỷ đồng; nếu tốc độ tăng GDP chỉ đạt 3,1%, thì tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cao gấp 12 lần tốc độ tăng trưởng.

Trong tổng vốn đầu tư thực hiện, lượng vốn khu vực nhà nước đạt 57,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,3% và tăng 20%; lượng vốn khu vực ngoài nhà nước đạt 39,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,1% và tăng 30%; lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 19,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,6% và giảm 32%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký ước đạt 6 tỷ USD, giảm 40,1%, gồm có vốn đăng ký mới 2,2 tỷ USD, giảm 69,7%; vốn đăng ký bổ sung 3,8 tỷ USD.

Như vậy, trong điều kiện vốn đầu tư nước ngoài giảm thì vốn trong nước đã tăng khá, bù vào sự sụt giảm của vốn đầu tư nước ngoài.

Tốc độ tiêu thụ trong nước thấp chỉ bằng trên một nửa tốc độ tăng của cùng kỳ (6,5% so với 11%). Nguyên nhân chính là do thu nhập có khả năng thanh toán của dân cư tăng thấp, đối với một bộ phận do thất nghiệp hoặc thiếu việc làm còn bị giảm; do người tiêu dùng có tâm lý chung là tiếp tục thắt chặt hầu bao.

Xuất khẩu nếu không kể tái xuất vàng thì giảm khoảng 15%, do bốn yếu tố: thị trường bị thu hẹp, nhất là những thị trường lớn do bị suy thoái kinh tế; giá cả nhập khẩu giảm; việc thanh toán của các nhà nhập khẩu gặp khó khăn; nguồn hàng một số mặt hàng hạn hẹp.

Trong khi có một lượng hàng từ các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc, Thái Lan do xuất khẩu vào các thị trường lớn bị sụt giảm sẽ quay sang Việt Nam.

Kết quả tích cực có tác dụng tạo lòng tin, trong khi lòng tin vào lúc này là rất quan trọng, không chỉ để động viên mà còn yên tâm sử dụng các giải pháp đã được coi là đúng, kết quả chưa khả quan để tránh chủ quan, thỏa mãn và là một cảnh báo cần thiết.