15:57 22/08/2021

Kinh tế Việt Nam bộ mới số 59-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 59 phát hành ngày 23-8-2021 với nhiều chuyên mục...

Với diễn biến phức tạp, lan rộng và kéo dài, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, khiến hàng loạt dự án rơi vào tình cảnh “lụt” tiến độ. 7 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với mức 40,67% cùng kỳ năm 2020; đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%).

Kinh tế Việt Nam bộ mới số 59
Kinh tế Việt Nam bộ mới số 59

Chưa bao giờ, số bộ, cơ quan và địa phương được Chính phủ “điểm mặt, chỉ tên” trong báo cáo chậm trễ trong giải ngân lại chiếm quá một nửa; và cũng chưa bao giờ, đã qua 7 tháng trôi qua, vẫn có tới 6 cơ quan chưa giải ngân được một đồng vốn đầu tư công nào.

Bên cạnh những yếu tố cộng hưởng như thực hiện giãn cách do dịch Covid-19 và giá vật liệu xây dựng leo thang khiến nhiều dự án đầu tư công gặp khó trong thi công, những vướng mắc trong công tác lập kế hoạch vốn, giải phóng mặt bằng, sự phối hợp giữa các cơ quan và quyết tâm của người lãnh đạo… vẫn là những nguyên nhân “cố hữu” gây chậm trễ trong thực hiện.

Vì vậy, tháo gỡ những điểm nghẽn làm “ách tắc” giải ngân vốn được xem là giải pháp vực dậy nền kinh tế sau đại dịch nhất là khi giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP sẽ tăng thêm 0,058%. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ra công điện với loạt giải pháp “mạnh tay” trị dự án chậm tiến độ như: yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm dưới 25% phải chịu trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng giải ngân chậm trong thời gian tới...; điều chuyển vốn sang các bộ, cơ quan, địa phương khác...

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 23/8/2021, Kinh tế Việt Nam bộ mới số 59-2021 sẽ dành 10 trang chuyên mục "Tiêu điểm" để phản ánh và cập nhật những diễn biến mới nhất trong câu chuyện "Giải ngân đầu tư công năm 2021". Các bài viết bao gồm:

- “Ra tay” trị dự án “lụt” tiến độ. Sốt ruột với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu của 34 bộ, cơ quan và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% phải có giải pháp cụ thể để khắc phục và sẽ thực hiện điều chuyển vốn sang các bộ, cơ quan, địa phương khác nếu tỷ lệ giải ngân đến quý 3/2021 vẫn dưới 60%. (Anh Nhi).

- Tháo nút thắt giải ngân vốn ODA. Theo Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài 7 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 7,52% kế hoạch, thấp hơn đáng kể so với 17,15% cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của khối địa phương rất thấp, chỉ khoảng 2%. Rất nhiều địa phương chưa giải ngân được một đồng vốn ODA nào. (Khánh Vy).

- Tăng tốc giải ngân giữ vững chất lượng! Sáu cơ quan trung ương dậm chân tại điểm xuất phát, tiền cất trong két nhưng chưa thể phân bổ. 2/3 số vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương trên 290.000 tỷ đồng cần phải giải ngân trong giai đoạn nước rút. (Ánh Tuyết).

- Đẩy nhanh dự án đầu tư công: Gỡ “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng. Theo nhiều chuyên gia, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, phải xử lý được điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng. Năm 2020 có 1.867 dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách bị chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Trong đó, có 1.074 dự án (chiếm gần 60% tổng số dự án chậm tiến độ) gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng. (Ngân Hà).

Cùng nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

- Phòng chống Covid-19: Đừng để mặt trận bị "hở sườn". Trong chiến tranh từ cổ chí kim, điều tối kỵ đối với người cầm quân là để “hở sườn” mặt trận của mình. Khi mặt trận bị “hở sườn”, thất bại gần như cầm chắc, nếu không, cũng bị tổn thất nặng nề. Cuộc chiến phòng chống Covid-19 ở nước ta đã và đang diễn ra hết sức quyết liệt và cam go, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, cùng đội ngũ các thầy thuốc, quân đội, công an và toàn dân. Chúng ta gần như đã dốc toàn lực cho cuộc chiến này, không tiếc sức người, sức của, với quyết tâm cao nhất nhằm mục tiêu khống chế dịch bệnh, đồng thời duy trì nhịp độ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. (Nguyễn Quốc Uy).

- Chông chênh mục tiêu xuất khẩu cuối năm. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp  và nhiều tỉnh thành phía Nam vẫn đang giãn cách theo Chỉ thị 16 và duy trì sản xuất “ba tại chỗ” như hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang phải tạm ngừng hoạt động hoặc có duy trì thì năng suất cũng giảm mạnh, khiến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm trở nên thật chông chênh. (Th.S Trần Trọng Triết).

- Luật Dầu khí hiện hành đã “lỗi thời”. Luật Dầu khí được Quốc hội thông qua vào năm 1993 và đã trải qua hai lần sửa đổi vào năm 2000 và 2008. Nhưng đến nay, trước sự thay đổi toàn diện của ngành công nghiệp Dầu khí, nhiều quy định trong Luật hiện hành trở nên “lỗi thời”, thậm chí có những quy định vượt khung đã phần nào “trói tay” doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí. (Lâm Phong).

- Khoảng trống lớn giữa cầu và cung khoa học nông nghiệp. Với số đề tài khoa học do Nhà nước đặt hàng hạn chế nên không đủ để tất cả cán bộ các viện ngành nông nghiệp tham gia nghiên cứu. Nếu cán bộ nghiên cứu không được tham gia đề tài, thì thu nhập chỉ có từ lương, quá thấp không thể đảm bảo cuộc sống, dẫn đến tình trạng họ rời bỏ các viện nghiên cứu, ra ngoài làm việc. Phỏng vấn PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học nông nghiệp. (Chu Khôi).

- Báo động nợ xấu vùng đại dịch. Quyết định tiếp tục giãn cách xã hội ở các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương phía Nam kéo dài hết tháng 8 và có thể sang tháng 9/2021, đã khiến dòng tiền vào doanh nghiệp ngày càng tồi tệ. Các chuyên gia cho rằng dù nợ vay được treo nhưng khi hết hạn giãn, hoãn, bài toán nợ xấu đã khó càng thêm khó. (Đào Hưng)

- Thị trường phái sinh đã qua 1.000 phiên giao dịch. Với 1.000 giao dịch đã được tổ chức trong bốn năm (2017-2021) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường chứng khoán phái sinh đã và đang ngày càng tỏ rõ vai trò là công cụ phòng vệ rủi ro và giúp giảm thiểu những “cú sốc” trên thị trường. (Tuyết Nhi).

- Vì sao điện gió ngoài khơi khó triển khai? Việt Nam được đánh giá là quốc gia có những điều kiện tự nhiên tốt nhất Châu Á để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với đường biển dài hơn 3.000km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao. Mặc dù đã có một số dự án lớn đăng ký đầu tư nhưng chủ yếu vẫn đang ở giai đoạn thăm dò, vì thế đến nay, chưa có một dự án ngoài khơi nào được triển khai. (Nguyễn Mạnh).

- Các nguồn thải gia tăng, môi trường biển suy giảm chất lượng. Quan trắc chất lượng nước biển ven bờ vẫn còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, với sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là theo các dòng chảy từ sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng. (Nhĩ Anh).

- Nhãn tươi vượt sóng gió sang châu Âu. Các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đang rất nỗ lực để đưa quả nhãn tươi sang thị trường châu Âu (EU). Nhưng điều này không hề đơn giản bởi người tiêu dùng EU rất dè dặt với sản phẩm mới, trong khi công nghệ bảo quản nhãn chưa đạt, khi đặt chân lên thị trường này không được tươi ngon như ban đầu. (Vũ Khuê).

- Lê Diệp Kiều Trang và các dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tại khu công nghệ cao Tp.HCM có một dự án đầu tư khá đặc biệt, đó là nhà máy in 3D sợi carbon lớn nhất thế giới của start-up Arevo (Mỹ). Dự án này được hậu thuẫn bởi cặp vợ chồng rất nổi tiếng trong giới khởi nghiệp là Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ đưa về Việt Nam ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. (Thu Hoàng).

- Trung Quốc: chiến lược Zero Covid và sự đánh đổi kinh tế. Trung Quốc đang trải qua đợt bùng dịch Covid-19 tồi tệ nhất một năm qua. Việc nước này theo đuổi chiến lược “triệt tiêu Covid” (Zero Covid), đồng nghĩa các hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng ngay cả khi chỉ có 1 ca nhiễm được phát hiện. (An Huy).