“Kinh tế Việt Nam tăng trưởng còn nhờ sự chịu đựng, vượt gian khổ của người dân”
Muốn đạt được mục tiêu kinh tế năm 2021, ngoài cải cách thì cần ưu tiên phục hồi kinh tế. Chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ phục hồi hơn nữa. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ
Một năm trôi qua kể từ ngày Covid 19 bùng phát càn quét kinh tế - xã hội, gây thiệt hại sức người sức của toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Trong cơn bão khủng hoảng, Việt Nam bừng sáng lên là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, dịch bệnh kiểm soát tốt, gia tăng niềm tin, vị thế trên trường quốc tế.
Nhờ đâu mà có được những điều này? VnEconomy đã có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp đầu xuân 2021.
Nhìn lại chặng đường hơn một năm chúng ta đối phó với Covid 19 có thể nói Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh trong khi nhiều nước trên thế giới vỡ trận, là một thành viên của tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, ông đánh giá thế nào vai trò chỉ đạo điều hành của nhà nước trong suốt thời gian vừa qua?
Quay trở lại thời điểm này, cũng vào dịp Tết nguyên đán 2020, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 01, 02 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2020, thì có tin dịch Vũ Hán. Tại thời điểm đấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đội tư vấn bắt đầu đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế trong nước và phương án ứng phó, tầm nhìn dịch chỉ lây nhiễm từ Vũ Hán và dự kiến quý 1/2020 kết thúc. Trên cơ sở đó kịch bản quý 1 tăng trưởng thấp, quý 2 tạm ổn, quý 3-4 tăng tốc để cuối năm vẫn đạt tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đã đề ra.
Sau đó vài ngày tình hình Vũ Hán phức tạp hơn, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho dừng tất cả các chuyến bay thương mại, khách du lịch từ Vũ Hán, đó là thời điểm cao điểm khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam và vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng.
Tuy nhiên, ngày quyết định bước ngoặt sự thay đổi là khoảng 7/3, xuất hiện bệnh nhân Covid là những người có chuyến bay từ Anh về. Lúc đó buộc phải thay đổi nhận thức rằng dịch bệnh nghiêm trọng lây nhiễm không chỉ riêng từ Vũ Hán mà gồm cả châu Âu, lockdown toàn bộ. Một số ngành tê liệt luôn như du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống, khách sạn. Tác động dịch bệnh trầm trọng, kịch bản tăng trưởng hạ xuống còn 6%.
Đến hết quý 2 tăng trưởng thấp, thấp nhất trong các năm gần đây, 0,36%, chứng tỏ cách đối phó dịch, phong toả tràn lan không ổn, đặt ra vấn đề nếu không phong toả tuyệt đối toàn quốc thì quý 2 không giảm xuống đến mức đó, đầu tư công đầu tư tư nhân cũng giảm vì có ai đi làm đâu? Rút kinh nghiệm cho Đà Nẵng sau này tháng 7 khi có ca nhiễm trong cộng đồng thì chỉ phong toả những khu vực có ca nhiễm ở Đà Nẵng thôi. Chính phủ lúc này bắt đầu đặt ra nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, mục tiêu kép phòng dịch và thúc đẩy tăng trưởng.
Đó là những điểm nhấn về điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ trong năm 2020.
Kết quả ấn tượng của những chỉ đạo điều hành đó là gì, thưa ông?
Ấn tượng chủ yếu điều hành của năm vừa rồi ở 3 mảng: Ổn định vĩ mô, giải ngân vốn đầu tư công tăng và hỗ trợ doanh nghiệp. Tại sao lại nói Việt Nam trong nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới? Tôi nghĩ có 4 nguyên nhân: Thứ nhất, chúng ta kiểm soát dịch bệnh như thế là tốt, thành công, hoạt động lưu thông trong nước bình thường, đó điểm mấu chốt đầu tiên.
Thứ hai, khác với 10 năm trước, chúng ta vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống tài chính, tạo ra niềm tin cho cuộc sống và hoạt động kinh doanh trong nước.
Thứ ba, xuất nhập khẩu năm nay tăng trưởng tốt 5,1% trong đó xuất khẩu là 6,5%, chỉ bị ngắt quãng trong vòng quý 2. Riêng xuất khẩu khối đầu tư nước ngoài tăng trong khi xuất khẩu khối đầu tư trong nước giảm. Lý do là đầu tư nước ngoài nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà mình duy trì kiểm soát tốt dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm không có, người ta tin rằng đơn hàng đặt ở đây ổn định nên vẫn đặt đều đặn, không đứt gãy. Đến tháng nửa cuối năm đơn hàng quay trở lại mình rất nhiều, cả kể dệt may quý 2/3 thiếu hụt nhưng sau đó quay trở lại. Tăng được xuất khẩu là tăng trưởng.
Cuối cùng là đầu tư công, giải ngân được 84%, rất cao so với những năm trước, cũng là sự quyết liệt của nhà nước. Năm nay còn có dấu ấn nữa là khởi công được mấy dự án hạ tầng quan trọng quy mô lớn như sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, dự án cao tốc Bắc Nam…
Tình hình dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế, thậm chí kéo dài một số năm về sau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang nghiên cứu gói hỗ trợ lần 2 này, ông có đóng góp ý kiến gì không?
Trong năm 2020, đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng do Covid 19. Chẳng hạn, Chính phủ cho cơ cấu lại theo chuẩn mực khác để doanh nghiệp không rơi vào tình trạng không đủ điều kiện vay vốn, ngân hàng không rơi vào tình trạng cho vay dưới chuẩn, giảm lãi suất cho vay bên cạnh đó là cho giãn, giảm nộp thuế, thay vì nộp tháng 5-6 thì tháng 12 nộp.
Chính phủ cũng có gói 62.000 tỷ đồng an sinh xã hội nhưng thực tế chi được mười mấy ngàn tỷ, những ông xe ôm gánh hàng rong ngoài đường cơ bản không được hưởng, cho nên gói chính sách đó tác động không nhiều trong việc cứu trợ. Đối với gói hỗ trợ thứ hai thì tôi cho rằng không cần thiết vì gói lần nhất đã làm hết đâu? Nếu có thì gói lần này nên là kích thích kinh tế phục hồi phát triển.
Phải khẳng định kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp cũng có phần đóng góp của khối doanh nghiệp FDI, song Covid 19 nhất thời có làm giảm sức hút của Việt Nam với các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài?
Vốn FDI trong năm 2020 gần như không có gì mới, chủ yếu là triển khai những dự án đã có, đã hoàn thiện xong thủ tục còn những dự án mới rất ít, không mấy ai vào tìm kiếm cả, họ chỉ thuê tư vấn vào tìm hiểu thôi. Có cái khó là do tình hình dịch bệnh, đi lại khó khăn. Từ tháng 6-7 mình cho các chuyên gia, lao động nước ngoài vào nhưng chủ yếu là những vị trí cao cấp và phải cách ly. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài họ muốn vào nhưng mình yêu cầu cách ly nên họ cũng dè dặt.
Nhưng như ông nói ở trên xuất khẩu có đến 72% là của FDI, đó là một con số khá cao, mà chắc chắn nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu FDI thì không thể bền vững?
Không phải chỉ Covid mà nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nặng vào đầu tư nước ngoài, tính dễ tổn thương của nền kinh tế cao, khả năng chống chịu của nền kinh tế suy giảm, hôm nay họ còn ở đây giả sử ngày mai có việc gì họ ào ạt chạy đi thì mình còn lại gì? Nhiều vùng như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, đầu tư nước ngoài rút đi thì chẳng còn gì, công nhân chơ chọi không có việc làm, đô thị không có, để lại hiệu quả về mặt xã hội tương đối lớn. Nói vậy không phải ngăn chặn đầu tư nước ngoài mà để nhắc rằng phải phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước lên.
Phát triển bằng cách đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, cam kết chuyển giao công nghệ như nhiều ý kiến từng đề cập?
Khi doanh nghiệp không cần lớn, không muốn lớn, không sẵn sàng tiếp nhận thì họ không làm, nếu họ muốn thì mình chẳng cần phải bắt doanh nghiệp FDI chuyển giao mà tự thân doanh nghiệp trong nước sẽ đi tìm kiếm để nhận được quyền chuyển giao.
Muốn doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển thì phải thay đổi cả nền tảng chứ không phải bằng tư duy vụn vặt. Muốn có được thay đổi thì phải thay đổi thể chế định chế, nhiều thứ phải thay đổi, đưa hệ thống toà án lên thành công cụ tin cậy giải quyết tranh chấp phát sinh. Người dân được tự do làm, nhà nước chỉ can thiệp khi phát hiện doanh nghiệp có rủi ro và muốn làm được thế thì phải sắp xếp doanh nghiệp thành các nhóm “xanh, đỏ, vàng” khác nhau, chỉ tập trung giám sát những nhóm có thể gây rủi ro cho xã hội, còn nhóm khác đã có toà án. Khi lợi ích bị vi phạm thì mang ra toà án giải quyết.
Năm 2020, bên cạnh doanh nghiệp khó khăn vẫn có doanh nghiệp thích nghi với thị trường tốt, chuyển đổi số thành công và vùng lên trong bão tố, họ có đáng được tôn vinh?
Đó là xu hướng tất yếu, lãnh đạo doanh nghiệp đương nhiên vì sự sống còn của doanh nghiệp phải làm, nếu không làm tài sản của họ xuống sông xuống biển, lao động mất việc làm. Họ là những người có trách nhiệm.
Cơ hội và thách thức luôn có cho doanh nghiệp, chỉ khi nào vượt qua thách thức thì mới đến được cơ hội. Như năm nay chúng ta nhắc đến EVFTA nhưng tôi vẫn luôn cho rằng muốn nắm được cơ hội thì phải làm cho doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực vượt qua thách thức nếu không thì cơ hội chỉ dành cho doanh nghiệp nước ngoài thôi.
Ông dự cảm thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2021?
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì tăng trưởng như Chính phủ đạt ra 6,5% hoàn toàn đạt được, thậm chí 8-9%. Đề ra mục tiêu là để phấn đấu hoàn thành. Như năm 2020 tăng trưởng tốt như vậy trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn cũng phải nói là nhờ sự chịu đựng, vượt khó, chịu gian khổ của người dân.
Muốn đạt được mục tiêu kinh tế năm 2021, ngoài cải cách thì cần ưu tiên phục hồi kinh tế. Chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ phục hồi hơn nữa. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích chứ không phải chỉ là chính sách hỗ trợ. Hiện tại, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp mới, ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn nữa chứ không chỉ cứu những doanh nghiệp đã chết.