10:20 22/04/2013

KSA: Vì sao chơi “bài bây” chuyện cổ tức?

Nguyên Hà

KSA không chỉ lần thứ 4 lùi thời hạn trả cổ tức, mà còn chỉ trả trước có 400 đồng, thay vì 1.000 đồng như ban đầu

Ngày 18/4 là thời hạn trả cổ tức cuối cùng được “chốt” sau nhiều lần KSA lỡ hẹn.
Ngày 18/4 là thời hạn trả cổ tức cuối cùng được “chốt” sau nhiều lần KSA lỡ hẹn.
Đến ngày 18/4 cổ đông của Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA) bắt đầu hết chịu nổi với thông tin mới rằng sẽ chỉ nhận được cổ tức tiền mặt 400 đồng cho mỗi cổ phiếu thay vì 1.000 đồng như trước. Phần còn lại công ty tiếp tục chơi “bài bây” lùi đến 19/8/2013.

Ngày 18/4 là thời hạn trả cổ tức cuối cùng được “chốt” sau nhiều lần KSA lỡ hẹn. Lần gần nhất, ngày 21/3 vừa qua, KSA  thông báo lùi thời hạn trả cổ tức bằng tiền mặt tới 18/4 và là lần thứ 3 Công ty thay đổi thời hạn với đủ các lý do khác nhau. Đến sát ngày 18/4, KSA không có động thái nào khác lạ khiến cổ động chắc mẩm sẽ được hưởng đồng cổ tức ít ỏi đúng hẹn. Nhưng với công văn thông báo vừa ký ngày 18/4 thì không chỉ cổ tức sẽ bị “xẻo” tạm đi 600 đồng mà còn lùi tiếp thời hạn trả đến 23/4.

Có đúng dành vốn cho dự án?

Ngày 2/10/2012, KSA thông báo sẽ trả cổ tức năm 2011 bằng tiền mặt, tỉ lệ 10% cho cổ đông, tương đương mỗi cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Thời gian thực hiện chi trả là 20/11/2012. Tuy nhiên đến gần ngày phải trả, KSA có văn bản thông báo trì hoãn tới ngày 20/2/2013 với lý do một số khoản nợ của khách hàng chưa trả cho Công ty như cam kết nên chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.

Đến sát ngày 20/2/2013, KSA lại đẩy lùi thời hạn trả cổ tức sang 20/3/2013 với lý do tương tự. Tới ngày 20/3, Công ty lại có văn bản hoãn tiếp sang ngày 18/4/2013. Tuy nhiên lý do trong lần thứ ba này thuyết phục hơn, thậm chí còn tạo tâm lý hồ hởi cho cổ đông: Công ty ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư và thi công một dự án. Đây là dự án BT chủ đầu tư bảo lãnh thanh toán 100% và nhà thầu thi công phải ứng vốn thi công trước. Vì đây là công trình trọng điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2013 của KSA nên phải huy động toàn bộ nội lực để thực hiện. Do đó ảnh hưởng đến nguồn tiền thanh toán cổ tức cho cổ đông.

Việc ký kết hợp đồng là thực – công ty cũng đã có công bố thông tin bất thường – nhưng liệu có phải là lý do hợp lý để trì hoãn liên tục việc chi trả cổ tức? Lý do KSA phải ứng trước vốn cho hoạt động thi công hàm ý rằng công ty có tiền, nhưng tiền đó phải dành cho hoạt động sản xuất. Hợp đồng được ký ngày 9/3/2013, trước thời hạn trả cổ tức khá dài (20/3). Không rõ lý do ban đầu về việc thu hồi công nợ được tiến hành đến đâu và có phải công ty đã đòi được nợ, thu xếp được tiền trả cổ tức thì ký được hợp đồng nói trên và phải dồn vốn vào đó? Hay hợp đồng chỉ là lý do hợp lý hơn để KSA khất lần chuyện trả cổ tức?

Lý do thực về dòng tiền mặt

Quyết định trả cổ tức năm 2011 đã có từ tháng 10/2012. Kết thúc quý 3/2012, KSA ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế 9,26 tỷ đồng. Tuy nhiên dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đến cùng thời điểm là con số rất khác: -47,28 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh tuy có lãi trên sổ sách nhưng dòng tiền thực lại là con số âm. 

Thực tế trong cả hai quý đầu năm của KSA, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đều là con số âm. Quý 1/2012 đã -3,69 tỷ đồng dù lợi nhuận sau thuế là 3,47 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế sau soát xét quý 2/2012 là 6,39 tỷ đồng thì dòng tiền thuần đã là -47,31 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh cả năm 2012 sau khi đã kiểm toán ghi nhận hoạt động tích cực trong quý 4 của KSA nhưng dòng tiền thuần từ sản xuất kinh doanh vẫn là -13,32 tỷ đồng. Lợi nhuận cả năm đạt 12,52 tỷ đồng. Vấn đề quan trọng là để chi trả các chi phí thường xuyên cũng như cổ tức tiền mặt, công ty không thể lấy con số lãi sổ sách, mà phải dùng tiền thực có. Ngay từ quý 2/2012, KSA đã thu hồi khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác gần 50,1 tỷ đồng nhưng do dòng tiền chi cho sản xuất chính lớn nên cơ cấu tiền mặt của công ty còn giảm so với đầu năm.

Lựa chọn phương án trả cổ tức tiền mặt là công ty chấp nhận chịu sức ép rất lớn về dòng tiền. Thông thường các doanh nghiệp chấp nhận phương án này phải nhìn trước được khả năng dòng tiền mặt chắc chắn trong tương lai hoặc có sẵn tiền mặt trong két. KSA đã đánh cược với khả năng thu hồi công nợ. Số tiền KSA cần để trả cổ tức với mức dự kiến 1.000 đồng/cổ phiếu là khoảng 15,4 tỷ đồng. Con số này cũng không lớn nếu KSA đẩy mạnh được việc thu hồi nợ mà căn cứ theo báo cáo kiểm toán năm riêng phải thu của khách hàng là trên 51 tỷ đồng.

Như vậy rất có thể lý do chính cho việc khất tới 3 lần trả cổ tức là công ty đã không thu nợ thành công hoặc không thu xếp được tiền mặt. Đòi nợ khó khăn là điều phổ biến trong thời gian qua ở nhiều công ty niêm yết chứ không riêng gì KSA. Điều mà cổ đông bức xúc là thái độ lẫn lữa liên tục của KSA trong chuyện trả cổ tức mà không có thông tin cụ thể. Hiếm có công ty nào liên tục khất lần nhiều đến như vậy. Nếu công ty khó khăn, cần tiền mặt, hoàn toàn có thể tìm kiếm sự thông cảm từ cổ đông. Tuy nhiên cảm giác chờ đợi được ban phát cổ tức với một con số quá nhỏ không đáng để đánh đổi.

Trở lại với lý do ngày 18/4 vừa qua, câu hỏi lớn nhất vẫn là có đúng KSA phải ứng vốn trước cho dự án hay không và công ty đã lấy nguồn tiền trả cổ tức để thực hiện? Việc thu hồi công nợ đã được tiến hành đến đâu? Việc khất lần thứ 4 lại vẫn được thông báo đúng ngay thời hạn chót phải trả cổ tức. Cách thông báo như vậy khác nào đánh úp cổ đông khiến tâm lý thất vọng càng lớn. KSA còn một đợt tăng vốn nữa với giá bán bằng mệnh giá. Với khả năng trả cổ tức khó khăn như vậy thì có lẽ KSA chỉ hấp dẫn nhà đầu tư dưới góc độ làm giá trên thị trường, chứ góp vốn hoạt động lâu dài còn là vấn đề niềm tin.