08:57 09/12/2011

Kỳ vọng vào ECB bị rũ sạch, giá dầu trượt dốc

Diệp Anh

Giới phân tích dự báo, giá dầu phiên 9/12 sẽ còn chao đảo dữ dội hơn nếu châu Âu không đạt đồng thuận giải quyết khủng hoảng nợ

Giá dầu thô chịu áp lực mạnh từ tuyên bố của Chủ tịch ECB đầu phiên 8/12.
Giá dầu thô chịu áp lực mạnh từ tuyên bố của Chủ tịch ECB đầu phiên 8/12.
Những kỳ vọng vào khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công bị quét sạch sau tuyên bố của Chủ tịch Mario Draghi, đã khiến giá dầu thô trượt mạnh xuống dưới 100 USD/thùng.

Hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho biết, định chế này không có ý định mở rộng chương trình thu mua trái phiếu chính phủ như các nhà đầu tư mong đợi. Thông tin này đã khiến USD tăng giá mạnh.

Chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh của Mỹ so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã nhảy lầ mức 78,903 điểm, vượt khá xa so với mức chốt 78,470 điểm trong phiên giao dịch liền trước, từ đó gây áp lực lên giá các mặt hàng như xăng, dầu.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/12, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1 năm tới trượt 2,15 USD, tương ứng 2,1%, xuống mức 98,34 USD/thùng trên sàn trao đổi hàng hóa New York. Đây là mức chốt thấp nhất của dầu loại này kể từ hôm 28/11.

Jim Ritterbusch, một nhà phân tích dầu ở bang Illinois nhận định, những tuyên bố từ Ngân hàng Trung ương châu Âu đã khiến các thị trường hàng hóa suy yếu. Theo ông, phiên giao dịch hôm qua, tình trạng rủi ro lại tái xuất hiện.

Ritterbusch cho rằng, giá dầu thương lai có thể sẽ rơi vào trạng thái bất ổn hơn trong phiên giao dịch 9/12 (tức là đêm 10/12 giờ Việt Nam) nếu các nhà đầu tư biết rằng, giới chức châu Âu lại thất bại trong việc giải quyết các khúc mắc kỹ thuật.

Diễn biến cùng chiều với thị trường dầu thô, giá xăng và dầu sưởi cũng đồng loạt đi xuống trong phiên 8/12. Cụ thể, giá dầu sưởi giao tháng 1 giảm 1,8% xuống 2,93 USD/gallon, trong khi giá xăng giao cùng kỳ hạn giảm 0,8% xuống 2,57 USD/gallon.

Ngược dòng, giá khí đốt tự nhiên lại quay đầu tăng 1,1% lên 3,46 USD/ triệu BTU, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho biết, trong tuần kết thúc ngày 2/12 vừa qua, lượng dự trữ khí đốt giảm hơn 566 triệu mét khối.

Cũng liên quan tới thị trường năng lượng, hôm 7/12, Chính phủ Bulgaria tuyên bố nước này sẽ rút khỏi dự án đường ống dẫn dầu xuyên Balkan hợp tác với hai quốc gia là Nga và Hy Lạp. Dự án đường ống này vốn đã bị đình trệ suốt hai năm qua.

Bộ trưởng Tài chính Simeon Djankov cho biết, Bulgaria đề xuất hủy bỏ dự án chung này trên cơ sở một thỏa thuận chung. Nếu không đạt được thỏa thuận, Bulgaria sẽ đơn phương rút khỏi dự án trong vòng 12 tháng.

Chính phủ Bulgaria cho biết dự án đường ống dẫn dầu xuyên Balkan không còn được coi là một dự án kinh tế và Bulgaria lo ngại về tác động của dự án đối với môi trường vì đường ống dẫn dầu này sẽ đi qua các khu bảo tồn thiên nhiên.

Năm 2007, Nga, Bulgaria và Hy Lạp đã ký hiệp định liên chính phủ về xây dựng đường ống dẫn dầu của Nga tới châu Âu. Đường ống dài 280 km, nối giữa cảng Burgas trên biển Đen (Bulgaria) và cảng Alexandroupolis trên biển Aegean (Hy Lạp).