16:27 08/08/2014

Lạc quan với sức khỏe hệ thống ngân hàng?

Minh Đức

Các chỉ tiêu cơ bản của hệ thống ngân hàng nửa đầu 2014 đã nhiều khác biệt so với cùng kỳ 2013

Về quy mô chung, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam tiếp tục mở rộng
 khá mạnh. Tổng tài sản có đến 30/6/2014 đã đạt tới gần 6 triệu tỷ đồng,
 trong khi cùng kỳ năm ngoái mới ở mức 5,29 triệu tỷ đồng.
Về quy mô chung, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam tiếp tục mở rộng khá mạnh. Tổng tài sản có đến 30/6/2014 đã đạt tới gần 6 triệu tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái mới ở mức 5,29 triệu tỷ đồng.
Các chỉ tiêu cơ bản của hệ thống ngân hàng nửa đầu 2014 đã nhiều khác biệt so với cùng kỳ 2013, theo dữ liệu Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật.

Có khá nhiều thông tin trong dữ liệu mới, mà tình hình chung cũng khá lạc quan. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để phản ánh toàn diện sức khỏe của hệ thống hiện nay.

Điểm đầu tiên, khác biệt lớn nhất so với cùng kỳ năm ngoái là trạng thái vốn của khối ngân hàng thương mại cổ phần. Liên tục những tháng đầu năm và cho đến 30/6/2013, quy mô vốn tự có của khối cổ phần nói chung tăng trưởng âm, đặc biệt là sự cảnh báo thua lỗ khi giảm xuống thấp hơn cả vốn điều lệ. Nay, cân đối này đã cải thiện nhiều.

Cụ thể, tính đến 30/6/2014, tổng quy mô vốn tự có của khối ngân hàng thương mại cổ phần đã đạt 192.198 tỷ đồng, tăng 0,83% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, chỉ báo này của khối giảm rất mạnh, -3,68%, còn 176.400 tỷ đồng và xuống thấp hơn quy mô vốn điều lệ (178.847 tỷ đồng).

Như VnEconomy từng đề cập, vốn tự có bao gồm vốn điều lệ và các quỹ, khi “mẹ” bé hơn “con” như diễn biến nửa đầu 2013 phản ánh sự khó khăn và hiệu quả hoạt động xấu đi của khối ngân hàng thương mại cổ phần thời điểm đó.

Ở tình hình chung, đến nay, tại thời điểm 30/6/2014 ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể quy mô vốn tự có của toàn hệ thống, tăng 2,16% so với cuối 2013; tổng quy mô vốn điều lệ cũng tăng trưởng tương ứng 2,21%. Về mặt số liệu (qua tổng hợp báo cáo của các tổ chức tín dụng) như vậy, điểm tích cực là chốt chặn cuối cùng về vốn trước rủi ro của các ngân hàng thương mại nói chung đã được gia cố thêm trong nửa đầu năm nay.

Bên cạnh đó, các chỉ báo an toàn khác cũng nói rằng hệ thống đang ở trạng thái tốt, có thể nói tốt nhất trong nhiều năm qua. Đó là một chỉ báo về thanh khoản, tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) trên thị trường 1 đã giảm khá mạnh, từ 87,3% cùng kỳ năm ngoái xuống còn 82,3% vào 30/6/2014. Đặc biệt ở khối ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ này giảm từ 95,45% xuống còn 90,99%.

Thêm nữa, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dù giảm nhẹ so với cùng kỳ 2013 nhưng vẫn giữ ở mức 12,94%, cao hơn nhiều so với quy định tối thiểu 9% mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

Nhìn chung, hai chỉ báo an toàn trên đều ở mức tốt, nhưng cũng là kết quả gián tiếp phản ánh sự khó khăn trong giải phóng năng lượng của các nhà băng, khi mà tín dụng nửa đầu năm tăng trưởng rất thấp với 3,52%.

Nửa đầu 2014, với đường cong lãi suất thể hiện rõ nét hơn, tăng trưởng và cơ cấu vốn huy động dịch chuyển thuận lợi hơn, thanh khoản dồi dào hơn, các ngân hàng cũng đã dần nâng cao tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: đến 30/6/2014 ở mức 18,26% so với 16,34% cùng kỳ năm ngoái. Điều này một mặt phản ánh nỗ lực nâng cao hiệu quả khai thác vốn trong hệ thống, một mặt cho thấy vẫn nằm sâu trong giới hạn có thể ảnh hưởng xấu đến thanh khoản (thường từ 30-40%).

Với loạt chỉ báo theo dữ liệu cập nhật trên, có vẻ hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có một thể trạng sung sức và an toàn. Tuy nhiên, hiện chưa có tổng hợp về hai chỉ số quan trọng là ROA và ROE để tham khảo về hiệu quả hoạt động thực sự của họ như thế nào nửa đầu năm nay.

Mặt khác, một chỉ báo quan trọng về mức độ rủi ro hoạt động cũng chưa được cập nhật cụ thể là nợ xấu, trong khi dữ liệu hàng tháng tính đến tháng 4/2014 thể hiện xu hướng tăng khá mạnh.

Và như trên, kết quả và tình hình trên được chiết xuất qua số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, nên sự thận trọng về chất lượng của nó khi tiếp cận là không thừa.

Còn về quy mô chung, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam tiếp tục mở rộng khá mạnh. Tổng tài sản có đến 30/6/2014 đã đạt tới gần 6 triệu tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái mới ở mức 5,29 triệu tỷ đồng.