Lại "chơi khăm" người bán, thị trường bật tăng cao hơn
Hôm qua thị trường giảm 15,22 điểm, hôm nay tăng "lật mặt" 15,69 điểm. Một lẫn nữa nhà đầu tư bán ra lại rơi vào thế khó: Mua lại thì sợ mà đứng ngoài thì khó ở!
Hôm qua thị trường giảm 15,22 điểm, hôm nay tăng "lật mặt" 15,69 điểm. Một lẫn nữa nhà đầu tư bán ra lại rơi vào thế khó: Mua lại thì sợ mà đứng ngoài thì khó ở!
Hôm nay cũng là ngày cả hai quỹ ETF tái cơ cấu danh mục. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, dòng vốn tái cơ cấu chỉ là gió thoảng trước cơn bão tiền từ nhà đầu tư mới. Thực vậy khối ngoại được ghi nhận bán ra khoảng 1.707 tỷ đồng trên HSX nhưng tổng giá trị giao dịch (cả thỏa thuận) của sàn này tới xấp xỉ 13.238 tỷ đồng.
Sau phiên kẹt lệnh ATC hôm qua, thị trường cũng đứng trước thử thách chứng minh rằng phiên ATC hôm đó là bên nào thiệt. Diễn biến hôm nay cho thấy người mua đã thiệt. Muốn mua được cổ phiếu phiên này thì phải đẩy giá lên cao hơn. Cả sàn HSX tăng ầm ầm, độ rộng cuối ngày là 304 mã tăng/126 mã giảm, 145 mã tăng trên 1%, 24 mã kịch trần.
Thị trường tăng ngay từ lúc mở cửa và càng về cuối càng tăng nhiều. Không hề có sự thận trọng nào trước các giao dịch tái cơ cấu ETF ngoại. Nhà đầu tư mua vào quan tâm tới việc mua được cổ phiếu, chứ không phải mua giá tốt nhất. VN-Index đóng cửa tăng 1,49% so với tham chiếu.
Vẫn không có gì bất ngờ khi nhóm ngân hàng quay lại thống trị chỉ số. VPB tăng kịch trần giống hệt cách là TCB bùng nổ cách đây 2 phiên. Một phiên nhảy giá tốt đa đưa VPB vượt đỉnh cao nhất 2020, đạt đỉnh tương đương đầu tháng 7/2018. Tuy vậy thanh khoản của PVB không đột biến, dù đạt mức cao nhất tháng 12.
Các mã ngân hàng khác cũng đều tăng mạnh: VCB tăng 3,02%, CTG tăng 1,47%, HDB tăng 4,18%, MBB tăng 4,52%, STB tăng 2,41%, TCB tăng 3%, BID tăng 1,29%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đánh dấu sự trở lại một cách dữ dội bằng SSI tăng kịch trần, VCI kịch trần 6,95%, VND trần 6,86%. Các mã khác cũng tăng mạnh: HCM cũng tăng 5,99%, BVS tăng 5,97%, SHS tăng 6,79%, MBS tăng 2,94%, CTS tăng 4,95%, BSI tăng 6,79%...
VN30-Index chốt phiên tăng 1,94%, mạnh nhất 23 phiên. Rổ này có 25 mã tăng và không mã nào giảm giá. 15 mã trong rổ tăng trên 1%, 9 trong số này tăng vượt 2%. Hơi tiếc là VIC và VNM lại chỉ tham chiếu, VHM tăng 0,71%. Dù sao thì các mã ngân hàng cũng làm rất tốt. TCB và VPB vốn hóa rất lớn trong VN30-Index đã giúp chỉ số này tăng vượt VN-Index.
Hôm nay cũng là phiên tái cơ cấu của hai quỹ ETF và lệnh vào đợt ATC cũng khá lớn. Tuy vậy so với mức thanh khoản bình thường nhiều ngày nay thì ETF lại khá nhỏ. Tính chung sàn HSX khối ngoại mua ròng khoảng 61 tỷ đồng nhưng lại bán ròng nhẹ 67 tỷ đồng trong nhóm VN30.
Biến động giá của các cổ phiếu trong diện tái cơ cấu của ETF ngoại cũng không rõ ràng vì hôm nay tất cả đều tăng tốt. Một số mã ngân hàng được mua ròng rất lớn là TPB, MBB, BID, STB, VPB, CTG, VCB. Ngoài ra có VRE, HDG, VHM, MSN. Phía bán ròng khối này xả mạnh VNM, HPG, POW, LCG, SSI, KDH, DXG, SBT...
Thanh khoản hôm nay không phải là cao nhất nhưng duy trì mức cực lớn, thậm chí ở mặt bằng mới: Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt gần 12.836 tỷ đồng, giảm 13,7% so với hôm qua. Hôm qua do đợt ATC bị trục trặc nên lẽ ra thanh khoản đã lớn hơn. Dù phiên này giảm giao dịch, nhưng ngưỡng trên 12 ngàn tỷ đồng có thể là mặt bằng thanh khoản mới. Trước đây, 8 ngàn tỷ lên 9 ngàn tỷ là khó khăn, sau đó duy trì phổ biến 10 ngàn tỷ. Khoảng 2 tuần nay mốc 11 ngàn tỷ lại trở thành phổ biến.
Cả tuần VN-Index có 2 phiên giảm 3 phiên tăng xen kẽ nhau và biên độ đều lớn hơn nhiều so với các tuần trước. Điều này thể hiện sự tăng tốc của thị trường nhưng đồng thời cũng phản ánh áp lực chốt lời xuất hiện. Chưa tuần nào thị trường lại có tần suất tăng giảm sát nhau như tuần này. Đây cũng là kết quả của sự tranh chấp giữa hai quan điểm mua và báo. Tuy nhiên kết cục vẫn là người mua thắng thế và thị trường tăng cao hơn.