15:45 19/11/2020

Lại kỷ lục mới về thanh khoản, khối ngoại mua ngàn tỷ

Lan Ngọc

Dòng tiền ở quy mô khổng lồ đổ vào thị trường hôm nay đã đẩy VN-Index tăng tiếp gần 10 điểm nữa, cuốn phăng khối lượng chốt lời T+3

VN-Index đã vượt dứt khoát qua đỉnh cao tháng 10 và hướng đến đỉnh cao trước thời điểm Covid-19 hồi đầu năm.
VN-Index đã vượt dứt khoát qua đỉnh cao tháng 10 và hướng đến đỉnh cao trước thời điểm Covid-19 hồi đầu năm.

Dòng tiền ở quy mô khổng lồ đổ vào thị trường hôm nay đã đẩy VN-Index tăng tiếp gần 10 điểm nữa, cuốn phăng khối lượng chốt lời T+3.

Phiên hôm nay có khối lượng cổ phiếu khổng lồ về tài khoản, là phiên thị trường bất ngờ sập mạnh 15,5 điểm hôm đầu tuần. Tổng khối lượng khớp lệnh phiên đó đạt 542 triệu cổ phiếu trị giá 10.401 tỷ đồng.

Kể cả khi nhà đầu tư mua phải giá cao nhất trong phiên 16/11 thì đến hôm nay hầu như vẫn lãi tốt. Vì vậy nếu áp lực bán lớn xuất hiện thì cũng không có gì bất ngờ. Hôm nay lực bán rất lớn, tới 530,1 triệu cổ phiếu hai sàn, nhưng kết cục là bên mua toàn thắng.

Thị trường lại xuất hiện một mức thanh khoản kỷ lục nữa tính theo giá trị khớp lệnh. Hai sàn đã giao dịch 10.696,8 tỷ đồng, vượt qua 2 phiên kỷ lục gần nhất đều trên 10.000 tỷ đồng. Riêng sàn HSX khớp lệnh 9.770,1 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất lịch sử.

VN-Index đóng cửa tăng 1% so với tham chiếu, tương đương 9,73 điểm. Chỉ số này đã hoàn toàn vượt lên đỉnh cao mới ở mốc 983,26 điểm. Vn30-Index tăng 0,77%, VNMidcap giảm 0,09%, VNSmallcap tăng 0,57%.

Có thể thấy ngay vai trò nổi bật của nhóm blue-chips trong phiên tăng hôm nay, cả ở việc kéo điểm số lẫn tạo thanh khoản kỷ lục. Mặc dù mức tăng ở nhóm này không đồng đều, nhưng các trụ quan trọng vẫn có mặt trong nhóm kéo chỉ số: VCB tăng 2,97%, GAS tăng 2,63%, SAB tăng 5,5%, CTG tăng 1,68%, PLX tăng 4,75%.

Trong số này, SAB và PLX là hai gương mặt mới, hôm nay bùng nổ phiên đầu tiên. SAB đi ngang và giảm nhẹ suốt từ đầu tháng 11 tới nay. Mức tăng 5,5% phiên này là mạnh nhất kể từ đỉnh đầu tháng 7/2020. PLX cũng tương tự, nằm im kéo dài hàng chục phiên để rồi một ngày tăng bằng đúng 1 tháng giảm trước đó.

Lại kỷ lục mới về thanh khoản, khối ngoại mua ngàn tỷ - Ảnh 1.

GAS đang có những phiên bùng nổ mạnh mẽ với thanh khoản rất cao.

Nhóm ngân hàng nhìn chung tăng bình thường. Yếu tố vốn hóa tạo lợi thế chính cho VCB, nhưng mức tăng 2,97% cũng là mạnh nhất 13 phiên. Giá VCB đã quay trở lại đỉnh cao đầu tháng 6/2020. BID, TCB cũng nằm trong số tăng nhưng nhẹ. EIB, HDB, MBB giảm giá.

Điều đáng tiếc nhất hôm nay chính là sự thiếu vắng của nhóm vốn hóa lớn còn lại. VIC giảm 0,86%, VHM tăng 0,26%, VNM tăng 0,27% là quá nhẹ. Thêm nữa MSN giảm 1,09%. MSN đã rớt giá sang phiên thứ 9 với tổng mức giảm khoảng 14,2%.

VN-Index tăng chung cuộc 9,73 điểm thì 5 cổ phiếu là VCB, GAS, SAB, CTG, PLX đã đóng góp tới 7 điểm. Nếu tính thêm cả HPG tăng 1,73%, VPB tăng 2,41% và BID thì nhóm này chiếm gần như toàn bộ số điểm tăng ở chỉ số.

Không chỉ tạo tất cả điểm số, thanh khoản cực cao trên thị trường hôm nay cũng có gặp tất cả các blue-chips quen thuộc. Top 5 thanh khoản thị trường thuộc về HPG, CTG, TCB, VNM và VPB, chiếm gần 23% thị trường. Đây cũng là 3 cổ phiếu duy nhất khớp lệnh vượt 300 tỷ đồng giá trị. Cả rổ VN30 giao dịch gần 5.396 tỷ đồng, chiếm 55,2% sàn HSX. Nhờ đó giao dịch sàn này tăng 10,3% về giá trị so với hôm qua, trong khi HNX không tăng.

Mộ rộng của VN-Index phiên này vẫn khá tốt với 260 mã tăng/171 mã giảm. Mặc dù các chỉ số của nhóm Midcap và Smallcap tăng kém hoặc giảm, nhưng vẫn có những mã đơn lẻ giao dịch rất ấn tượng. Cả sàn HSX có 19 cổ phiếu kịch trần, trong đó nhiều mã thanh khoản rất tốt như HAP, CVT, AAA, ELC SKG...

Một điểm cũng rất ấn tượng hôm nay là sức mua từ phía nhà đầu tư nước ngoài góp phần thổi bùng thanh khoản. Tổng giá trị mua với sàn HSX được ghi nhận khoảng 1.099 tỷ đồng và giá trị ròng khoảng 399 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng lớn thứ hai liên tiếp ở sàn này. Hôm qua khối ngoại cũng mua ròng khoảng 460 tỷ đồng.

Khối này đổ vốn vào mua blue-chips rất mạnh. VRE, MBB, CTG, VJC, VCB, VNM, VPB được mua ròng cực lớn và hầu hết qua thẳng khớp lệnh. Phía bán ròng nhiều chỉ có HDB, POW, KBC, GEX, DRC, PLX. Tính chung rổ VN30 được mua ròng tới 407 tỷ đồng phiên này.