Lại "lắc", nhưng vốn ngoại xả khủng
Một đợt xả mạnh lại bất ngờ xuất hiện và lần này có cả giao dịch rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào các blue-chips. Hai sàn lại lập kỷ lục thanh khoản mới
Một đợt xả mạnh lại bất ngờ xuất hiện và lần này có cả giao dịch rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào các blue-chips. Hai sàn lại lập kỷ lục thanh khoản mới.
Không duy trì được đà hưng phấn hôm qua, thị trường giao dịch rất yếu trong phiên sáng để rồi bị bán mạnh trong phiên chiều. Nhà đầu tư nước ngoài xả rất sớm và tuần này là tuần tái cơ cấu của các quỹ ETF. Tuy nhiên các quỹ này thường giao dịch lớn vào cuối tuần chứ không phải hôm nay.
Hôm qua khối ngoại cũng bán ròng lớn nhưng tập trung vào thỏa thuận TMS tới 557 tỷ đồng. Hôm nay giao dịch bình thường nhưng khối này lại bán ròng tới trên 823 tỷ đồng trên sàn HSX. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng tới 878 tỷ đồng.
Rất nhiều blue-chips bị bán ròng cực lớn như VRE, SSI, MBB, VNM, HPG, CTG, HDB, POW, KDH, VPB, NVL, PLX, VCB... Rất nhiều cổ phiếu bị bán ròng không nằm trong danh sách bán bớt của hai quỹ ETF ngoại. Mặc dù không phải cổ phiếu nào bị bán ròng cũng lao dốc giảm giá, nhưng sức ép là hiện hữu ở tất cả các mã.
SSI, VRE, NVL là 3 cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 còn đóng cửa trên tham chiếu. Sức ép của khối ngoại thể hiện ở việc suy yếu trong giá. SSI bị khối ngoại bán trên 25% thanh khoản, giá tụt khoảng 2,3% so với đỉnh cao nhất ngày, đóng cửa chỉ còn tăng 1,39% so với tham chiếu. VRE bị bán 44% thanh khoản, giá tụt khỏi đỉnh cao 2,43%, chốt tăng không đáng kể 0,33%. NVL bị bán khoảng 24%, giá đóng cửa thấp hơn đỉnh 2,82%, còn trên tham chiếu 1,71%.
24 cổ phiếu khác trong rổ VN30 giảm giá mạnh, 15 mã trong số này giảm trên 1% khiến VN30-Index cũng giảm 1,1% so với tham chiếu. Nhóm trụ thiệt hại nặng: VIC giảm 1,74%, VCB giảm 2,1%, VHM giảm 1,15%, VNM giảm 1,74%, GAS giảm 1,84%, SAB giảm 2,45%, CTG giảm 1,13%, BID giảm 0,86%, HPG giảm 1,66%. Tới 9/10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường giảm ở mức như vậy thì sức ép là rất lớn. Duy nhất MSN tham chiếu trong số này.
VN-Index có biểu hiện kém ngay từ khi mở cửa. Dù hôm qua tăng rất tốt nhưng mở cửa chỉ số đã giảm nhẹ 0,19%. Khả năng phục hồi rất yếu, lúc 10h40 VN-Index đạt đỉnh cũng chỉ trên tham chiếu 0,32% do VN30-Index tăng không nổi (đúng hơn là tăng 0,1%. Thiếu lực đỡ của các blue-chips là nguyên nhân chính và rất dễ nhìn trong buổi sáng.
Diễn biến phiên hôm nay rất giống phiên ngày 10/12 vừa qua khi từ diễn biến lình xình yếu đầu ngày chuyển sang giảm nhẹ cuối phiên sáng và đến chiều thì bị xả dồn dập. Thực ra hôm nay chính là ngày T+3 của phiên 10/12 mà cổ phiếu về tài khoản. Thanh khoản riêng khớp lệnh hôm nay lớn hơn ngày 10/12 tới gần 1.000 tỷ đồng.
Tổng giá trị khớp hai sàn đạt gần 13.419 tỷ đồng, lại vượt qua những kỷ lục thanh khoản gần nhất trong tháng 11 và đầu tháng 12 này. Giao dịch thỏa thuận không có gì đặc biệt với 1.529 tỷ đồng.
Lực xả hôm nay khiến không còn nhóm cổ phiếu nào có thể tăng đồng loạt được nữa. Mạnh mẽ như nhóm chứng khoán, phiên này cũng phân hóa nhiều: SSI tăng 1,39%, HCM giảm 0,7%, VCI giảm 1,76%, VND tăng 5,05%, AGR tăng 0,48%, BSI giảm 0,88%, BVS giảm 0,71%, MBS giảm 2,11%... Có thể thấy tùy từng cổ phiếu nào còn có được dòng tiền nâng đỡ đủ tốt mới có thể tăng, còn lại bất kể quy mô lớn hay nhỏ đều biến động mạnh. Nhóm ngân hàng cũng chỉ duy nhất STB là tham chiếu, còn lại giảm toàn bộ.
Trong khi VN-Index giảm 0,83%, VN30-Index giảm 1,1% thì VNMidcap vẫn tăng 0,46%, VNSmallcap tăng 0,68%. Các cổ phiếu vừa và nhỏ có vẻ được giao dịch tách biệt khỏi biến động xả chiều nay ở blue-chips. Tuy vậy cũng không phải các mã này đề kháng được hết áp lực chung. Chẳng hạn chỉ số VNMidcap lúc đạt đỉnh tăng tới 0,97%, VNSmallcap tăng 0,81%. Độ rộng trong cả hai rổ này lúc tăng tốt nhất có số cổ phiếu tăng giá gấp nhiều lần số giảm, nhưng đến cuối phiên lại cân bằng.
Phiên giao dịch hôm nay về diễn biến là khá giống phiên này 10/12 nhưng quy mô thanh khoản thì khác nhiều. Riêng sáng nay giá trị khớp hai sàn đã vọt lên 7.224 tỷ đồng tăng 12% so với phiên sáng ngày 10/12. Buổi chiều thanh khoản chỉ cao hơn khoảng 3%. Như vậy rất có thể lực bán chính đã xuất hiện từ lúc thị trường còn mạnh, chứ không phải đến lúc thị trường cắm đầu giảm.
Khi nhìn vào phiên ngày 10/12 thì cũng có thể hi vọng vào một diễn biến lặp lại, rằng hôm nay cũng chỉ là một ngày rung lắc chốt lời bình thường. Sau phiên ngày 10/12 thị trường lại có 2 phiên tăng cực mạnh vừa qua. Điều này thật hấp dẫn.
Thị trường cứ rung lắc tăng giảm liên tục tạo cảm giác quen thuộc. Nếu các phiên tới thị trường lại tăng tiêp thì hôm nay đã là lần thứ 4 chỉ trong vòng hơn 1 tháng thị trường lặp lại biến động này. Chính vì sự lặp đi lặp lại đó nên cũng rất khó biết phiên giảm nào là thực sự tạo đỉnh.