15:11 03/06/2009

Lại nỗi lo giá dầu cao!

Mai Phương

Giá dầu tăng là một dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới có thể đã bắt đầu phục hồi, nhưng sau đó là hàng loạt những nỗi lo

Người tiêu dùng hẳn chưa thể quên những thách thức mà giá dầu cao hồi năm 2008 đem lại - Ảnh: AP.
Người tiêu dùng hẳn chưa thể quên những thách thức mà giá dầu cao hồi năm 2008 đem lại - Ảnh: AP.
Giá dầu tăng là một dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới có thể đã bắt đầu phục hồi, nhưng sau đó là hàng loạt những nỗi lo.

Trong phiên giao dịch đầu tuần này tại thị trường Mỹ, giá dầu đã vượt mốc 68 USD/thùng, cao nhất trong vòng 7 tháng qua. Mặc dù hiện tại mới chỉ bằng một nửa mức đỉnh của tháng 7 năm ngoái, giá dầu đã leo tới mức cao hơn so với mức trung bình trong vài thập kỷ trở lại đây.

Sự phục hồi của giá dầu thế giới thời gian qua được các nhà phân tích lý giải bằng những thông tin kinh tế sáng lên và sự suy yếu của đồng USD. Một số chuyên gia kinh tế lúc này lại bắt đầu đề cập tới chuyện “giá dầu 3 chữ số”, một phần do những nền kinh tế đang nổi hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil - vốn là những nước sử dụng nhiều năng lượng - dường như đang thoát ra khỏi thời kỳ tồi tệ nhất của lần suy thoái kinh tế này.

Trong dài hạn hơn, giá dầu có thể được đẩy lên bởi nhu cầu từ các nền kinh tế đang nổi lên và những khó khăn trong vấn đề gia tăng sức cung dầu của thế giới.

Nước giàu, nước nghèo đều ngại

Người tiêu dùng hẳn chưa thể quên những thách thức mà giá dầu cao hồi năm 2008 đem lại. Vào tháng 7/2008, giá dầu thế giới lập đỉnh cao mọi thời đại khi vượt mốc 147 USD/thùng.

Ở những nước giàu có, người dân khi đó đã phải hạn chế đi lại, một mặt vì chi phí giao thông bỗng chiếm một tỷ lệ cao hơn trong thu nhập của họ, mặt khác vì giá dầu biến động quá nhanh và có những bước nhảy quá dài. Do giá dầu đẩy chi phí giao thông và năng lượng leo thang, lạm phát cũng từ đó mà cất cánh. Các nhà sản xuất ôtô chịu sự sụt giảm doanh số do nhu cầu mua xe mới của khách hàng giảm sút. Sự gia tăng đột ngột của giá dầu khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ trở tay không kịp để thích nghi.

Ở những quốc gia nghèo hơn, giá dầu cao gây ra những thách thức lớn hơn. Đối với những nước nhập khẩu dầu, giá dầu cao như “đánh đố” ngân sách chính phủ, “gặm bớt” phần ngân sách lẽ ra dành cho các khoản chi tiêu khác.

Đối với người tiêu dùng ở các nước nghèo, sự leo thang của giá thực phẩm theo giá dầu khiến họ phải chi một phần lớn hơn trong thu nhập cho thức ăn, dẫn tới xuất hiện tình trạng bất ổn xã hội ở không ít nước. Ngay trong thời gian gần đây, khi giá dầu hồi phục, giá thực phẩm trên thế giới lại một lần nữa “chạy đua” theo.

Nhiều quốc gia nghèo còn bị ảnh hưởng thêm một khi giá dầu cao gây tác động bất lợi cho thương mại toàn cầu. Với những nền kinh tế phụ thuộc vào sự tham gia trong chuỗi cung cấp toàn cầu - các nước sản xuất hoặc lắp ráp hàng hóa để xuất khẩu sang các nước giàu - chi phí vận tải gia tăng là một vấn đề không bao giờ được mong đợi.

Nếu xét tới số lượng nhân công khổng lồ trong các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu từ Campuchia tới Bangladesh, việc di chuyển cơ sở sản xuất nào từ vị trí hiện tại tới gần thị trường tiêu thụ hơn cũng sẽ gây ra những hậu quả đáng ngại. Tuy nhiên, với một số nước đang phát triển xuất khẩu dầu, giá hàng hóa gia tăng sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Đình lạm liệu có “tái xuất”?

Trong những lo ngại về tác động kinh tế vĩ mô trên phạm vi rộng của giá dầu cao, trọng tâm là khả năng trở lại của tình trạng đình lạm (stagflation) - sự kết hợp giữa lạm phát cao và giảm sút sản lượng kinh tế từng khiến kinh tế thế giới tê liệt trong thập niên 1970 sau hai cú sốc dầu lửa vào các năm 1973 và 1979. Ở thời điểm hiện nay, đình lạm khó có khả năng xảy ra, nếu xét tới những lo ngại lớn hơn về tình trạng giảm phát (deflation) ở các nước giàu.

Vào năm 2008, chuyên gia kinh tế trưởng Olivier Blanchard của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhà kinh tế học Jordi Gali đã phân tích phản ứng của các nền kinh tế công nghiệp phát triển, đặc biệt là Mỹ, trước những cú sốc dầu lửa từ thập niên 1970 tới nay.

Hai chuyên gia này nghi ngờ việc giá dầu cao đồng nghĩa với sự trở lại của tình trạng đình lạm. Họ kết luận rằng, lạm phát, thất nghiệp và sản lượng kinh tế đã ít chịu tác động hơn từ sự leo thang của giá dầu trong hai lần giá “vàng đen” tăng mạnh gần đây, diễn ra vào các năm 1999 và 2002.

Blanchard và Gali lý giải rằng, giai đoạnh đình lạm trong thập niên 1970 không chỉ là kết quả của những cú sốc dầu lửa, mà còn do những cú sốc khác xảy ra đồng thời và một số sai lầm của các nhà hoạch định chính sách. Hai chuyên gia này lập luận, tại châu Âu và Mỹ, chính sách tiền lương và tiền công lao động hiện nay đã trở nên linh hoạt hơn so với ở thời điểm 1970, nên khả năng điều chỉnh để thích nghi với sự đi lên của giá dầu là lớn hơn.

Do vậy, so với trước đây, thế giới có ít lý do để e ngại hơn về sự gia tăng trở lại của giá dầu lần này, xét ở phương diện ổn định kinh tế vĩ mô nói chung. Nhưng với giá dầu cao, nền kinh tế thế giới đang ở trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất từ Chiến tranh Thế giới 2 tới nay sẽ mất thêm nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn.

Do đó, động thái duy trì sản lượng mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cuối tháng 5 vừa qua có thể xem là khôn ngoan. Nếu OPEC cắt giảm thêm sản lượng, giá dầu tăng nhanh hơn, niềm tin của người tiêu dùng bị sứt mẻ nhiều hơn, sự phục hồi của kinh tế vì thế sẽ bị cản trở thêm.

(Theo Economist)