Lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm thêm?
VCBS kỳ vọng lãi suất huy động có thể ổn định ở mặt bằng thấp, lãi suất cho vay có dư địa giảm thêm...
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô vừa công bố, Chứng khoán VCBS đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế thế giới hậu dịch Covid-19 với quan điểm chính là kinh tế phục hồi với mức độ phân hóa trong 2021 và kéo dài sang 2022.
Trong kỳ đánh giá lại vào tháng 7, triển vọng tăng trưởng kinh tế Thế giới được dự báo không thay đổi so với kỳ tháng 4 đạt 6% cho năm 2021. Tuy vậy, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế cận biên và mới nổi được điều chỉnh giảm đặc biệt tại các quốc gia châu Á. Ngược lại, triển vọng được điều chỉnh tăng 0,5% tại các quốc gia phát triển. Mức độ phân hóa được dự báo nối dài sang năm 2022.
Một số Ngân hàng Trung ương khác đã bắt đầu thảo luận nhiều hơn về thời điểm trung hòa bớt các chính sách nới lỏng tiền tệ điển hình là FED hay BOE. Trong khi đó, các chính sách tài khóa vẫn được xem là chìa khóa giúp nền kinh tế hồi phục.
Theo VCBS, chính sách tiền tệ nới lỏng phi truyền thống đã được áp dụng khó có thể đảo ngược khi việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của các NHTW gặp nhiều khó khăn. Do đó, quá trình trung hoà các chính sách này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng. Thậm chí, trong trường hợp các NHTW tiến hành các biện pháp trung hòa dần chính sách tiền tệ nới lỏng, đây là tín hiệu tích cực, hạn chế khả năng nền kinh tế thế giới hạ cánh cứng và rơi vào khủng hoảng toàn cầu đồng thời tác động tiêu cực lên Việt Nam không trực tiếp và không rõ nét.
Tại Việt Nam, VCBS kỳ vọng lãi suất huy động có thể ổn định ở mặt bằng thấp, lãi suất cho vay có dư địa giảm thêm. Giai đoạn này, thông điệp Ngân hàng nhà nước tiếp tục nhất quán: kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản. Định hướng chung là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong diễn biến phức tạp.
Lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ ổn định ở mặt bằng thấp trong Quý 4/2021. Các thảo luận về việc trung hoà các chính sách tiền tệ nới lỏng được bàn thảo nhiều hơn, đặc biệt là FED và BOE trong bối cảnh lạm phát tại các nước này vẫn đang tăng cao. Mặc dù xu hướng trung hoà chính sách tiền tệ nới lỏng là khó có thể đảo ngược, VCBS vẫn cho rằng quá trình này sẽ cần được tiến hành chậm rãi khi sự hồi phục kinh tế sau dịch ở nhiều quốc gia vẫn còn khá mong manh.
Với bối cảnh các Ngân hàng Trung ương trên thế giới hướng tới trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng từ từ, lãi suất huy động tại các Ngân hàng Trung ương Việt Nam có thể duy trì ở mặt bằng thấp như hiện tại. Áp lực tăng nhất định, nếu có, có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay; đồng thời, doanh nghiệp và người dân có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống, kéo theo áp lực huy động.
Đối với lãi suất cho vay, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định đi cùng với mức lạm phát được kiểm soát tốt, cùng thanh khoản ổn định là cơ sở quan trọng để Ngân hàng nhà nước giữ định hướng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp và ngƣời dân vƣợt qua khó khăn. VCBS cho rằng mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang tác động phức tạp tới doanh nghiệp và người dân.