18:36 06/10/2021

Lãi suất huy động xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017

Giới chuyên môn nhìn nhận, lãi suất ngân hàng vẫn chưa thể tăng trở lại kể từ nay đến hết năm...

Nhà điều hành chủ động duy trì nới lỏng đón xu hướng khôi phục sản xuất sau kiểm soát đại dịch
Nhà điều hành chủ động duy trì nới lỏng đón xu hướng khôi phục sản xuất sau kiểm soát đại dịch

Tại báo cáo thị trường trái phiếu mới công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) đang có mức lãi suất huy động thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Cụ thể, trong tháng 9 vừa qua, nhóm này đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt 0,02 và 0,05 điểm phần trăm, xuống còn 4,45%/năm và 5,39%/năm.

Trong khi đó, đối với ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng), lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh giảm 0,02 điểm phần trăm, xuống còn 5,37%/năm; song lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng vẫn điều chỉnh tăng nhẹ lên 6%/năm.

 

Nhóm ngân hàng Nhà nước chi phối vốn không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng, duy trì ở mức 3,775%/năm và 4,95%/năm.

Riêng, nhóm ngân hàng Nhà nước chi phối vốn không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng, duy trì ở mức 3,775%/năm và 4,95%/năm.

Nhìn chung toàn thị trường, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 3,7%/năm và cao nhất là 6,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng thấp nhất là 4,5%/năm và cao nhất 6,8%/năm. Như vậy, lãi suất trung bình hai kỳ hạn này trong tháng 9/2021 cùng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãi suất huy động xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017 - Ảnh 1
Lãi suất huy động xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017 - Ảnh 2

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 20/9/2021, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt mức 7,17%. So với cuối tháng 7, dư nợ tín dụng chỉ tăng 0,23%, mức tăng tương đối thấp. Yếu tố này phản ánh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên các hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm.

Tuy nhiên, diễn biến này cũng cho thấy thanh khoản thị trường vẫn đang ở trạng thái dồi dào, đặc biệt là khi lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức dưới 1%, đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng.

 

Trong thời gian tới, khi các địa phương nới lỏng lệnh giãn cách và doanh nghiệp mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà điều hành sẽ xem xét tới việc gia tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để kích thích cho nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước nhận định, trong thời gian tới, khi các địa phương nới lỏng lệnh giãn cách và doanh nghiệp mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà điều hành sẽ xem xét tới việc gia tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để kích thích cho nền kinh tế.

Trước đó, trong năm 2020, nhà điều hành đã 2 lần nới lỏng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, hạn mức cao nhất được đẩy lên tới 30%.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đang xem xét về việc đưa gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng nguồn ngân sách với hy vọng kéo theo quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng (lãi suất 3-4%/năm) ra nền kinh tế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm chỉ đạt 1,42%, mức luỹ kế thấp nhất trong hơn 20 năm trở lại đây; trong đó, riêng quý 3, GDP giảm 6,17%. Trong khi, chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam mới chỉ ở mức 1,82% trong 9 tháng đầu năm, thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay.

Bởi vậy, nhóm nghiên cứu tại BVSC cho rằng: “Trong các tháng tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục. Lãi suất ngân hàng vẫn tiếp tục được đánh giá sẽ không tăng trong thời gian còn lại của năm”.