16:10 22/07/2008

Làm ăn với người Nhật

Ái Vân

Làm ăn với doanh nghiệp Nhật khó hay dễ? Làm thế nào để hợp tác thành công với doanh nghiệp Nhật?

Tại nhà máy lắp ráp ôtô Honda ở Việt Nam.
Tại nhà máy lắp ráp ôtô Honda ở Việt Nam.
Làm ăn với doanh nghiệp Nhật khó hay dễ? Làm thế nào để hợp tác thành công với doanh nghiệp Nhật?

Đây là những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam đang có ý định làm ăn với người Nhật đều rất quan tâm.

Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), ông Kenji Yoshioka cho biết: cũng như các thị trường Mỹ, EU, tại Nhật Bản thị hiếu của người tiêu dùng đang có sự thay đổi lớn. Đặc biệt là những mặt hàng có tính mỹ thuật. Sự thay đổi về nhu cầu thị hiếu cũng tác động đến kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu vào Nhật.

Vừa dễ cũng vừa khó!

Với nhận định này, bà Huỳnh Thị Mỹ Loan, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Artex Sài Gòn đưa ra trường hợp của công ty mình. Artex Sài Gòn đã làm ăn với thị trường Nhật 20 năm, nhưng theo bà Loan, đến nay vẫn chưa nắm được tâm lí của  người Nhật đang ngày càng có nhiều thay đổi.

Chẳng hạn như trước đây, đối với mặt  hàng thủ công mỹ nghệ công ty xuất sang Nhật, các đơn hàng với xu hướng số lượng nhiều, nhưng khoảng 5 năm lại đây khách hàng lại có nhu cầu đặt mua nhiều mẫu mã, nhưng số lượng giảm đi, dòng đời sản phẩm rút ngắn lại.

Với kinh nghiệm sống và làm ăn với người Nhật thời gian dài, Tổng giám đốc Việt Nam Business Plaform, ông Lê Quốc Duy, đã chia sẻ đối với trường hợp như của Artex Sài Gòn là hãy hỏi trước và hỏi trực tiếp khách hàng về mọi thông tin liên quan về nhu cầu và thời gian xoay vòng của sản phẩm, từ đó các nhà sản xuất sẽ chủ động được việc khấu hao khuôn mẫu, sắp xếp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Kenji Yoshioka còn tư vấn thêm là doanh nghiệp nên chú trọng công tác nâng cao chất lượng, đầu tư công nghệ, về mặt thiết kế để liên tục đưa ra nhiều mẫu mã, sản phẩm có độ tinh xảo cao... để đáp ứng cho tính tiêu dùng sản phẩm có tính phong phú của người Nhật ngày nay.

Tiếp đó, ông Duy còn cung cấp thêm một số thông tin là người Nhật rất chi li vì vậy trong các cuộc thương thảo, họ rất quan tâm đến các tất cả các thông tin liên quan như nguyên liệu, quy trình sản xuất, chi phí sản xuất...

Ngoài ra, người Nhật cũng hay nghi ngờ. Vì vậy ngay từ buổi đầu làm ăn họ rất thích đối tác cho biết trước mọi thông tin chi tiết, kể cả những thông tin rủi ro có thể xảy ra trong điều kiện bình thường, và coi trọng sự bảo mật thông tin của khách hàng.

Cũng như bao đối tác thương mại khác, uy tín trong kinh doanh sẽ quyết định sự thành công của công việc. Một khi đã có được sự tin tưởng của người Nhật thì mọi người sẽ có được sự bền vững trong mối quan hệ hợp tác làm ăn. Không chỉ vậy, cơ hội mở rộng đối tác, thị trường cũng sẽ có được từ sự giới thiệu đối tác của mình cho các doanh nghiệp khác tại bản xứ.

Do đó, ngay từ buổi đầu vấn đề tạo sự ấn tượng rất quan trọng thông qua các hoạt động như trao đổi thông tin cá nhân, bằng hình ảnh nơi nhà máy sản xuất, tác phong làm việc của nguời lao động, rõ ràng trong thông tin tài chính, tuân thủ mọi quy định của các quy định hàng hóa của quốc tế, trách nhiệm với người lao động, với môi trường và giữ lời hứa trong mọi điều kiện.

Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin thường xuyên sẽ hỗ hợ nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp khi kinh doanh với thị trường Nhật. Nắm bắt thông tin kịp thời, doanh nghiệp nhanh chóng điều chỉnh lại công việc làm ăn tránh tình trạng lúng túng khi phía khách hàng đưa ra những yêu cầu mới.

Một vấn đề nữa, theo ông Duy, là cần tỉnh táo để xác định đối tượng khách hàng ngay từ ban đầu. Nếu ngay từ lần đầu gặp mặt thấy phía đối tác không  nhiệt tình hay lúng túng trong việc xúc tiến thì dừng công việc ngay lại,  để tránh vướng vào chỉ mất thời gian.

Để hiệu quả công việc tiến triển tốt, hạn chế bớt những mối hợp tác thông qua bên thứ 3 là các đối tác trung gian, nên tìm và làm việc trực tiếp với khách hàng có nhu cầu.

Doanh nghiệp Nhật rất quan tâm tới thị trường Việt Nam

Ông Kenji Yoshioka cho biết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội  hợp tác với doanh nghiệp Nhật. Hiện doanh nghiệp Nhật đang có hướng tìm kiếm các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực phân phối và dịch vụ. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp Nhật đến Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin.

Như thông tin thống kê từ ông Duy, hiện tại Nhật Bản đang có khoảng  4 triệu doanh nghiệp. Trong đó khoảng 10.000 doanh nghiệp đầu tư tại Trung  Quốc, 6.000 doanh nghiệp tại Thái Lan đang có, ở Việt Nam cũng đang có hơn 1.000  doanh nghiệp Nhật hoạt động.

Theo ông Kenji Yoshioka, có rất nhiều lí do để doanh nghiệp Nhật đầu tư vào  Việt Nam. Đó là, nền kinh tế Việt Nam đang đổi mới, môi trường đầu tư được  cải thiện, gia nhập WTO cùng với sự ảnh hưởng từ việc bùng nổ làn sóng đầu tư  nước ngoài vào Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật chuyển đổi phạm vi đầu tư, có mục tiêu “đánh” mạnh vào thị trường Việt Nam.

Tiếp đó, sự đầu tư đi  theo các doanh nghiệp lớn của Nhật, cũng như việc đầu tư vào Việt Nam để giảm  thiểu rủi ro khi tập trung đầu tư lượng lớn ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt  Nam còn có nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động đầu tư như chính trị - xã hội  ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công còn tương đối rẻ...

Trong giai đoạn từ 1988 - 2007, vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản “đổ” vào Việt Nam là 9,037 tỷ USD, xếp vị trí thứ 4 trong các nước và vũng lãnh thổ có lượng vốn đầu tư được cấp phép vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại là nước dẫn đầu có tỉ lệ lượng vốn đưa vào thực hiện, đạt 4,988 tỷ USD.

Hiện tại, các doanh nghiệp Nhật quan tâm và đầu tư ở cả 2 miền Bắc-Nam song doanh nghiệp Nhật đang có hướng tập trung đầu tư mạnh vào các khu vực các  tỉnh phía Bắc với những dự án có quy mô lớn. Ngược lại, doanh nghiệp Nhật  có quy mô nhỏ lại chuộng các tỉnh thành ở khu vực miền Nam.

Trong năm 2007, tổng số dự án đầu tư của Nhật vào Việt Nam là 154, với tổng số vốn là 965 triệu USD.