Lạm phát bào mòn tiền lương ở Nhật Bản
Tiền lương thực tế - một yếu tố quyết định sức mua của các hộ gia đình ở Nhật Bản - đã giảm trong 5 tháng liên tiếp...

Tiền lương thực tế ở Nhật Bản trong tháng 5 vừa qua giảm với tốc độ mạnh nhất trong gần 2 năm do lạm phát dai dẳng tiếp tục vượt tốc độ tăng trưởng của tiền lương. Thực tế này đang gây áp lực lên chi tiêu của người tiêu dùng và đặt ra thách thức đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
Số liệu do Bộ Lao động Nhật Bản công bố ngày 7/7 cho thấy tiền lương thực tế sau khi điều chỉnh theo lạm phát ở nước này trong tháng 5 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 2% trong tháng 4 và đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong 20 tháng.
Tiền lương thực tế - một yếu tố quyết định sức mua của các hộ gia đình ở Nhật Bản - đã giảm trong 5 tháng liên tiếp. Tốc độ lạm phát mà Bộ Lao động Nhật Bản sử dụng để tính tiền lương thực tế, bao gồm giá thực phẩm tươi sống nhưng không bao gồm giá thuê nhà, tăng 4% trong tháng 5 so với cùng kỳ 2024.
Tốc độ lạm phát này vượt xa tốc độ tăng của tiền lương danh nghĩa, tức tổng thu tiền mặt bình quân hàng tháng của người lao động ở Nhật. Trong tháng 5, tiền lương danh nghĩa ở nước này chỉ tăng 1%, đạt 300.131 yên, tương đương 2.080 USD, chậm lại đáng kể so với mức tăng 2% của tháng 4 và là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 3/2024.
Nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tiền lương danh nghĩa chậm lại là các khoản chi trả đặc biệt giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khoản chi trả này chủ yếu là tiền thưởng một lần - theo một quan chức Bộ Lao động Nhật Bản.
Tiền lương cơ bản tăng 2% trong tháng 5, tiền làm ngoài giờ tăng 1%, đều chậm lại so với mức tăng của tháng 4.
Tuần trước, Rengo - tổ chức công đoàn lớn nhất của Nhật Bản với 7 triệu thành viên - cho biết đã đạt được mức tăng lương bình quân 5,25% trong năm nay, mức tăng mạnh nhất trong 34 năm và đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tiền lương ở nước này tăng mạnh. Kết quả đàm phán tiền lương khả quan này đạt được trong bối cảnh Nhật Bản đương đầu với tình trạng khan hiếm lao động và Rengo nỗ lực bảo vệ người lao động thành viên khỏi tác động của lạm phát.
Mức tăng trưởng tiền lương mà Rengo đạt được trong các cuộc đàm phán tiền lương vào năm 2024 và 2023 tương ứng là 5,1% và 3,58%.
Tuy nhiên, vị quan chức của Bộ Lao động Nhật Bản nói rằng kết quả của cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân sẽ chỉ bắt đầu được phản ánh vào thống kê tiền lương từ mùa hè. Nhưng ông cũng nói thêm rằng nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát tiền lương do Chính phủ thực hiện là các doanh nghiệp nhỏ, không có tổ chức công đoàn và chậm tăng lương hơn so với các công ty lớn.
Số liệu công bố vào tuần trước cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình Nhật Bản tăng 4,7% trong tháng 5, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất trong gần 3 năm và vượt xa mức dự báo tăng 1,2% mà giới phân tích đưa ra. Dữ liệu này mang lại một số hy vọng rằng tiêu dùng ở Nhật có thể đang đi tới một giai đoạn mang tính bước ngoặt, bất chấp áp lực từ lạm phát cũng như từ khoảng cách tăng trưởng giữa tiền lương và lạm phát.
Nhưng dù sao, tốc độ tăng của tiền lương vẫn đang giữ vai trò chủ chốt để duy trì đà tăng trưởng của tiêu dùng ở Nhật, và là một trong những yếu tố chính mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) theo dõi để quyết định thời điểm của đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Tuy nhiên, sự bất định về thương mại khi Nhật Bản chưa thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ, cũng như triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu, đang đặt ra thách thức đối với kinh tế Nhật Bản. Nếu Nhật không được Mỹ hạ hàng rào thuế quan, lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu Nhật có thể suy giảm mạnh, dẫn tới rủi ro đối với tăng trưởng tiền lương trong tương lai và làm phức tạp thêm tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của BOJ.