16:21 30/06/2008

Lạm phát đang “đè” chứng khoán

Kiều Oanh

Sự đi xuống của các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới cho thấy các nước đều có cùng những mối lo kinh tế

Một cửa hàng hoa quả ở Singapore, nơi lạm phát đã lên tới mức cao nhất trong vòng 26 năm qua - Ảnh: Reuters.
Một cửa hàng hoa quả ở Singapore, nơi lạm phát đã lên tới mức cao nhất trong vòng 26 năm qua - Ảnh: Reuters.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào cảnh suy giảm, mất tới 20% giá trị so với đỉnh điểm vào mùa thu năm ngoái, nhiều nhà đầu tư muốn tìm đến một thị trường khác để “giải đen”.

Nhưng có lẽ, họ sẽ khó có thể tìm được thị trường nào để thực hiện nguyện vọng này.

Nhiều thị trường chứng khoán lớn bên ngoài nước Mỹ cũng đã bước vào thời kỳ suy giảm mạnh. Hai thị trường Đức và Pháp nằm trong số những thị trường đi xuống mạnh nhất. Trong khi đó, những thị trường mới nổi lên từng một thời “bay cao” như Trung Quốc và Ấn Độ thậm chí còn giảm điểm mạnh mẽ hơn.

U ám thị trường chứng khoán

Lạm phát tăng cao, giá nhiên liệu bùng nổ, thị trường tín dụng thắt chặt và những lo ngại về kỳ vọng lạm phát gia tăng đã trở thành những mối lo ngại có tính toàn cầu.

Và việc giải quyết những vấn đề này, đồng thời đem sự lạc quan trở lại với thị trường chứng khoán toàn thế giới - xem ra là một nhiệm vụ khó khăn đối với các ngân hàng trung ương, vốn đang cố gắng kiềm chế lạm phát mà lại không muốn làm ảnh hưởng tới tăng trưởng.

“Sự đi xuống gần đây của thị trường chứng khoán là một bằng chứng cho thấy giới đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương sẽ trở nên cứng rắn hơn những gì mà người ta tưởng”, chuyên gia kinh tế trưởng tại châu Âu của Goldman Sachs, ông Erik Neilsen, nhận xét.

Những con số về thị trường chứng khoán thế giới xem ra thật ảm đạm.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hàn thử biểu DAX của thị trường chứng khoán đã mất đi 20% số điểm từ đầu năm đến nay. Tại Pháp, chỉ số CAC-40 cũng đã “bay hơi” mất 22%. Chỉ số Euro Stoxx 50, thước đo thị trường chứng khoán của 15 nước sử dụng đồng Euro, sụt giảm 24%. Trong khi đó, chỉ số FTSE 100 của thị trường London cũng chỉ “kém cạnh” chút ít, mất đi 15% số điểm.

Tại các thị trường đang nổi lên, các hàn thử biểu còn nhuốm sắc đỏ đậm hơn. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông từ đầu năm tới nay đã sụt mất 21%, trong khi chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải đã “nói lời chia tay” với gần một nửa giá trị. Chỉ số Bombay 500 của thị trường Ấn cũng “rơi” mất 38% số điểm.

Sự đi xuống của các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới cho thấy các nước đều có cùng những mối lo kinh tế. Đó là lạm phát, với nguyên nhân chủ yếu là giá dầu cao kỷ lục. Mới thứ 6 tuần trước, giá dầu tại New York đã ngấp nghé mức 143 USD/thùng.

Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, trên thực tế đang tìm cách ngăn chặn sự “nổi loạn” của lạm phát thông qua con đường tăng lãi suất. Mặc dù động thái tăng lãi suất có thể kiềm chế lạm phát, cách làm này cũng có thể khiến tăng trưởng kinh tế bị kìm lại.

Trên thực tế, khả năng tăng lãi suất đã và đang thúc đẩy hoạt động bán tháo cổ phiếu trên thị trường giữa giới đầu tư khắp thế giới đang cố “tiêu hóa” tất cả mọi loại thông tin kinh tế chẳng lấy gì làm sáng sủa.

Tại Australia, lạm phát hiện ở mức cao nhất trong vòng 16 năm qua, khiến ngân hàng trung ương nước này đã phải tăng lãi suất cho vay lên mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây vào tháng 3 vừa qua. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tháng 6 này lại một lần nữa thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm.

Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát lạm phát mà không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng. Tình hình ở Ấn Độ và Indonesia cũng đang diễn ra tương tự.

Khó cho các ngân hàng trung ương

Chủ nhật vừa rồi, thống đốc ngân hàng trung ương các nước lớn trên thế giới đã bắt đầu một cuộc họp hai ngày ở Basel, Thụy Sỹ nhằm cân nhắc các biện pháp để trấn an những lo ngại về lạm phát, đồng thời tránh một cú sốc độ với tăng trưởng kinh tế. Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi bờ vực suy thoái, còn kinh tế châu Âu cũng đang tăng trưởng chậm lại.

Trong cuộc họp diễn ra ngày thứ 5 tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cho thấy họ sẽ chống lạm phát mạnh tới đâu. Khả năng ECB sẽ tăng lãi suất đồng Euro từ mức 4% hiện nay lên mức 4,25% nhằm hạn chế đà tăng giá thực phẩm và năng lượng. Trong tháng 5, giá cả ở khu vực 15 nước Eurozone đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi so với mục tiêu không chính thức của ECB là dưới 2%.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có vẻ như sớm muộn gì cũng sẽ hành động theo ECB. Tuần trước, FED duy trì lãi suất cơ bản USD ở mức 2%, chấm dứt series cắt giảm lãi suất 7 lần liên tiếp. Trong tuyên bố lãi suất, FED cũng nhấn mạnh vấn đề lạm phát - một dấu hiệu mà một số nhà phân tích cho rằng FED sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới.

“Có lẽ, ECB sẽ cho thấy rõ hướng đi về lãi suất của họ trong cuộc họp tuần này”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ Ethan Harris của Lehman Brothers nhận xét. Trong khi đó, nhiều khả năng FED sẽ duy trì mức lãi suất 2% ít nhất cho đến hết năm nay.

Sự thiếu vắng của một chính sách phối hợp chống lạm phát trên phạm vi toàn cầu cũng gây khó cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định. “Khi các ngân hàng trung ương hành động khác nhau và theo một lộ trình không giống nhau, điều đó có thể tạo ra rắc rối”, chiến lược gia đầu tư trưởng Quincy Krosby của công ty dịch vụ tài chính The Hartfortd nhận xét.

Bên cạnh đó, còn có những vấn đề khác nữa. Quyết định về lãi suất của ECB đang được đưa ra bàn luận ở châu Âu, nơi mà tăng trưởng kinh tế đang đi xuống dưới áp lực của giá dầu cao, đồng Euro mạnh và nhu cầu giảm ở thị trường Mỹ. Nhiệm vụ cao nhất của ECB là chống lạm phát, nhưng điều này không thể ngăn các chính trị gia châu Âu khỏi lo ngại về chuyện tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù đóng vai trò là một nhân tố lớn trong quá trình ra quyết định về lãi suất ở ECB, giá dầu cũng chỉ là một phần trong sự cân nhắc này. Tác động của lạm phát đã trở nên “hệ thống” hơn, từ đẩy giá tiêu dùng tăng cao, tới ảnh hưởng đến nhu cầu đòi tăng lương, đồng thời cũng khiến các doanh nghiệp mất niềm tin mà họ đã từng có trong việc ra quyết định xây dựng thêm nhà máy, thuê thêm nhân công, và phát triển thêm sản phẩm mới.

“Lạm phát cao càng được duy trì lâu thì càng có nhiều tác động tiêu cực đối với triển vọng phát triển kinh tế dài hạn”, một báo cáo về lạm phát của Morgan Stanley nhận xét. “Tỷ lệ lạm phát cao luôn đi cùng với kỳ vọng lạm phát tăng, làm gia tăng sự bất ổn và giảm đầu tư”, báo cáo viết.

Sự chao đảo của thị trường chứng khoán do những lo ngại lạm phát cũng khiến nhiệm vụ tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng, không chỉ ở Mỹ mà ở châu Âu, càng thêm phức tạp. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy, trong bối cảnh ảm đạm của thị trường chứng khoán, việc tái cấp vốn cho thị trường càng trở nên khó khăn hơn do các nhà đầu tư muốn “đẩy đi” các loại cổ phiếu đang nắm giữ.

Nói cách khác, những nỗ lực để vượt qua cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay đã trở thành “con tin” của viễn cảnh kinh tế ảm đạm mà chính cuộc khủng hoảng này đã tạo ra.

(Theo IHT)