16:56 24/06/2022

Làm rõ trách nhiệm về việc dôi dư hơn 5.700 công viên chức tại TP.HCM

Xuân Thái

TP.HCM hiện dôi dư 5.705 công viên chức so với số lượng biên chế được trung ương giao, bao gồm 3.601 công chức và 2.104 viên chức...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng đoàn công tác của Bộ Nội vụ đến làm việc tại TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng đoàn công tác của Bộ Nội vụ đến làm việc tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã yêu cầu TP.HCM phải rõ trách nhiệm trong việc dôi dư này tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố chiều ngày 23/6. Theo Bộ trường, TP.HCM hiện là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được Trung ương giao.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Nội vụ cùng đoàn công tác của Bộ, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho hay hiện nay tổng biên chế công chức trung ương giao cho TP.HCM là 10.869 người.

Tuy nhiên thực tế Hội đồng nhân dân TP.HCM duyệt giao là 14.470 người, tức cao hơn 3.601 người. Tương tự, số biên chế viên chức mà Hội đồng nhân dân TP.HCM giao cho Thành phố là 99.985 người, cao hơn so với số lượng trung ương giao là 97.881 biên chế.

Tính chung, toàn TP.HCM hiện có 5.705 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được trung ương giao. Giải thích về trường hợp dôi dư này, ông Huỳnh Thanh Nhân nói rằng đây là vấn đề lịch sử, nghĩa là từ việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức từ nhiều năm trước.

Mặc dù vậy, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cũng cho biết thêm trên thực tế số công chức, viên chức này vẫn đang làm việc tại các sở, ngành, quận huyện, phường xã và không bị dôi dư. Yếu tố tăng dân số cơ học của TP.HCM đã dẫn đến số bệnh viện, trường học,… tăng thêm hàng năm, là một lý do lấp đầy số “dôi dư” này.

“TPHCM đã đề xuất trung ương công nhận con số biên chế công chức mà Hội đồng nhân dân TP.HCM phê duyệt, nhưng kiến nghị này chưa được chấp thuận. Nếu không công nhận được thì TP.HCM vẫn làm theo biên chế thế chứ không khắc phục được, vì nếu cắt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động”, ông Nhân nói.

Cũng tại buổi làm việc này, Ủy ban nhân dân Thành phố kiến nghị Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ươn, ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành được giao quản lý từ trung ương đến địa phương; định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý theo Nghị định số 62 của Chính phủ, và văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý theo Nghị định số 106 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét giải quyết những tồn tại, hạn chế về biên chế cán bộ, công chức tại các địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị; chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng; công tác thanh tra công vụ; về tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị.

Về tình trạng dôi dư công chức, viên chức của Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo thêm với Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đó là do đặc thù của Thành phố là có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có (như Đội quản lý trật tự đô thị, Ban An toàn thực phẩm,…).

TP.HCM hiện dôi dư 5.705 công chức, viên chức.
TP.HCM hiện dôi dư 5.705 công chức, viên chức.

Ông Phan Văn Mãi cho biết trong tháng 7/2022, Thành phố sẽ đánh giá toàn diện, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đề xuất theo tinh thần làm sao đủ nhân lực thực hiện trách nhiệm, kết hợp với thực hiện nghiêm nghị quyết, phát huy tự chủ và cơ chế xã hội hóa để giảm gánh nặng thu ngân sách.

Về cải cách hành chính, người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định sẽ tiếp tục tập trung cải thiện hơn nữa cải cách hành chính, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố, cũng như đạt được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Về chính quyền đô thị, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng việc triển khai thực hiện chính quyền tại TP.HCM còn nhiều khó khăn, bất cập nên Thành phố sẽ tập trung nghiên cứu sâu hơn để làm báo cáo gửi Bộ Nội vụ đưa vào dự thảo Nghị quyết, thay thế Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 của Quốc hội.

Về những kiến nghị, đề xuất của Ủy ban nhân dân TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị chính quyền Thành phố có báo cáo cụ thể, chi tiết gửi Bộ Nội vụ xem xét giải quyềt và trình Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền của Bộ Nội vụ.