21:53 06/10/2022

Làm thế nào để có 10 triệu thuê bao sử dụng Mobile money?

Thu Hà

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết sau 11 tháng triển khai thí điểm, đến hết tháng 8 đã có khoảng 2,2 triệu tài khoản người dùng Mobile Money. Trong đó, có khoảng 68% người dùng là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút ra mắt dịch vụ chuyển tiền giữa Mobile Money và tài khoản ngân hàng.
Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút ra mắt dịch vụ chuyển tiền giữa Mobile Money và tài khoản ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,  ông Phạm Tiến Dũng cho biết sau 11 tháng triển khai thí điểm, đến hết tháng 8 đã có khoảng 2,2 triệu tài khoản người dùng Mobile Money. Trong đó, có khoảng 68% người dùng là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, con số trên là rất nhỏ bé nếu so với số thuê bao di động hiện nay. Ông Phạm Tiến Dũng ra “đề bài” cho các ngân hàng và nhà mạng và Napas cùng tìm giải pháp để sang năm 2023, số lượng người dùng Mobile Money chạm ngưỡng 10 triệu tài khoản.

Phát biểu tại Lễ ra mắt dịch vụ chuyển tiền giữa dịch vụ Mobile Money và tài khoản ngân hàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định với sự kết nối này, hệ sinh thái Mobile Money đã tiến thêm một bước tới sự hoàn thiện.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

“Bản chất của Mobile Money và tài khoản thanh toán tại ngân hàng là như nhau, do đó, tôi mong muốn các nhà mạng bên cạnh dịch vụ này, tiếp tục cho phép người sử dụng Mobile Money được sử dụng tài khoản Mobile Money ở nhiều điểm chấp nhận thanh toán, trên cơ sở đó người dùng mới có thể dùng để thanh toán mọi hàng hóa dịch vụ như tài khoản ngân hàng. Bên cạnh việc liên thông với ngân hàng, Napas thì Mobile Money phải liên thông với các đơn vị cung ứng sản phẩm hàng hóa dịch vụ thương mại thiết yếu”, ông Phạm Tiến Dũng đề nghị.

Mục tiêu mà Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho các ngân hàng, nhà mạng và Napas là tốc độ tăng trưởng người dùng Mobile Money đạt mức 3 con số vào năm 2022, sẽ có khoảng 10 triệu thuê bao có thể sử dụng Mobile Money, mang lại tiện ích thiết thực cho người dùng, nhất là những người ở vùng sâu vùng xa.

“Chẳng hạn với các gia đình có con học đại học ở thành phố, con có tài khoản ngân hàng nhưng bố mẹ không có, thì nay bố mẹ chỉ cần dùng tài khoản Mobile Money là chính số điện thoại của mình để chuyển tiền vài tài khoản ngân hàng cho con”, ông Phạm Tiến Dũng nêu ví dụ.

Với việc triển khai ra mắt dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại ngân hàng, người dân có tài khoản Mobile Money tại Viettel Money và VNPT Money có thể thực hiện chuyển tiền trực tiếp tới tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng và ngược lại. Đặc biệt, việc chuyển, nhận tiền còn được triển khai với phương thức quét mã VietQR - tiêu chuẩn thống nhất về QR thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, giúp giao dịch nhanh chóng, an toàn, chính xác mà không cần nhập thông tin tài khoản người nhận một cách thủ công.

Dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại Ngân hàng được thực hiện mọi lúc, mọi nơi 24/7, qua đó giúp người dân trên mọi miền Tổ quốc có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử đơn giản, nhanh chóng và an toàn, góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Napas phát biểu tại sự kiện.
Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Napas phát biểu tại sự kiện.

Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Napas kỳ vọng dịch vụ này sẽ góp phần thúc đẩy và phổ cập tài chính toàn diện tới người dân ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và mở ra cơ hội phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động.

Trong thời gian tới, Napas sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thành viên, các nhà mạng viễn thông còn lại để triển khai mở rộng liên thông dịch vụ chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và tài khoản thanh toán tại Ngân hàng; nghiên cứu phát triển đa dạng các dịch vụ thanh toán số; góp phần hoàn thiện hệ sinh thái tài chính ngân hàng, thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, mang những hình thức thanh toán mới phủ sóng đến khắp mọi miền đất nước.