Lần đầu tiên có quy định cụ thể về quản lý và kiểm soát hoạt động lấn biển
Hành vi lấn biển trái phép bị xử lý theo quy định của pháp luật. Quỹ đất hình thành do lấn biển trái phép được Nhà nước thu hồi để quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định...
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển lấy ý kiến. Theo dự thảo này, việc lấn biển chỉ được thực hiện khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Về góc độ pháp lý, hiện Việt Nam chưa có các quy định cụ thể để quản lý và kiểm soát hoạt động lấn biến. Việc xây dựng Nghị định quy định hoạt động lấn biển là hết sức cần thiết, sẽ tạo hành lang pháp lý toàn diện, cụ thể để quản lý, kiểm soát hoạt động này; đồng thời, tháo gõ các vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư lấn biển.
CĂN CỨ, ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP LẤN BIỂN
Thực hiện lấn biển phải đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển, phù hợp với quy định của các luật có liên quan; phù hợp quy hoạch không gian biển quốc gia... là những nguyên tắc quan trọng được đặt ra trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức cấp giấy phép lấn biển cho các nhà đầu tư. Đồng thời, việc lấn biển phải hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường; đảm bảo quyền, lợi ích tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng tại nguyên biển hợp pháp và quyền tiếp cận biển của cộng đồng…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay cơ quan này đang có 2 phương án xin ý kiến các bộ ngành. Phương án 1: Có cấp phép lấn biển. Phương án 2: Không có cấp phép lấn biển.
Với phương án có cấp phép lấn biển, dự thảo đưa ra đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép lấn biển trong các trường hợp sau đây:
Dự án đầu tư lấn biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án đầu tư lấn biển có phạm vi ranh giới lấn biển thuộc hai hay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; dự án đầu tư lấn biển có diện tích lấn biển từ 20 ha trở lên, hoặc có chiều dài đường ranh giới lấn biển từ 1.000 m trở lên.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép lấn biển không thuộc trường hợp quy định trên. Các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép lần biển thì có thẩm quyền cho phép gia hạn, điều chỉnh và thu hồi Giấy phép lấn biển.
Dự thảo nêu rõ, điều kiện cấp giấy phép lấn biển khi phù hợp với kế hoạch lấn biển đã được phê duyệt; có văn bản chấp thuận thực hiện dự án đầu tư lấn biển; có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; có phương án lấn biển theo quy định.
Về trình tự, thủ tục cấp giấy phép lấn biển thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được đề xuất trong dự thảo.
Theo đó, chủ dự án đầu tư nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển. Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển ban hành văn bản tiếp nhận và hẹn trả kết quả. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển hướng dẫn bằng văn bản cho chủ đầu tư để bổ sung, hoàn thiện.
Trong thời hạn không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển tổ chức và hoàn thành thẩm định hồ sơ. Việc thẩm định thực hiện thông qua hội đồng thẩm định và kiểm tra thực địa. Hội đồng thẩm định gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện UBND cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện hoạt động lấn biển.
Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển quyết định cấp giấy phép lấn biển. Trường hợp không cấp giấy phép lấn biển thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn không quá 1 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép lấn biển, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển có trách nhiệm gửi giấy phép cho chủ đầu tư và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, UBND cấp tỉnh nơi có dự án lấn biển.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu trình tự, thủ tục cấp giấy phép lấn biển thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT KHU VỰC LẤN BIỂN
Liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng khu vực lấn biển đã được cấp giấy phép lấn biển, dự thảo đề xuất Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cập nhật, bổ sung khu vực biển đã được cấp Giấy phép lấn biển (hoặc phê duyệt trong kế hoạch lấn biển vào quy hoạch tỉnh) vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đất đai.
Khu vực biển của dự án đầu tư lấn biển đã cấp Giấy phép lấn biển được thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chủ dự án đầu tư lấn biển có trách nhiệm báo cáo việc hoàn thành lấn biển tới Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có dự án đầu tư lấn biển để nghiệm thu kết quả lấn biển, đo đạc địa chính, cắm mốc giới sử dụng đất và cập nhật đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm tại khu vực hoàn thành lấn biển theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng nêu vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu vực biển lấn biển đã được cấp Giấy phép lấn biển. Theo đó, việc lấn biển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Thủ tục giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Việc lấn biển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì Nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật đất đai. Thủ tục giao đất, cho thuê đất được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43.
Việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu vực biển đã được phê duyệt trong kế hoạch lấn biển (hoặc đã được cấp Giấy phép lấn biển) phải bảo đảm một quỹ đất lấn biển nhất định thuộc dải đất dọc theo bờ biển bàn giao cho địa phương quản lý để xây dựng công trình hạ tầng công cộng, bao gồm lối đi xuống biển, đảm quyền tiếp cận biển của cộng đồng.
Cũng theo dự thảo, việc xác định giá đất đối với khu vực lấn biển đã được phê duyệt trong kế hoạch lấn biển (hoặc đã được cấp Giấy phép lấn biển) được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Chủ dự án đầu tư lấn biển được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian lấn biển.