12:15 13/01/2009

Lạng Sơn, du ký cuối năm

Trần Lê

Nói đến Lạng Sơn, nhiều người nghĩ ngay đến mua sắm hàng Trung Quốc

Cổng chợ Kỳ Lừa (Lạng Sơn).
Cổng chợ Kỳ Lừa (Lạng Sơn).
Nói đến Lạng Sơn, nhiều người nghĩ ngay đến mua sắm hàng Trung Quốc, không như trước đây lên xứ Lạng để đi lễ đền chùa, đi lên đỉnh Mẫu Sơn. Từ khi thị xã chuyển thành thành phố, nơi đây vẫn chưa có đến một nhà máy nào gọi là nổi đình nổi đám, mà vẫn chỉ tấp nập thương mại, dịch vụ và du lịch.

Du lịch nội địa quanh đi quẩn lại chỉ là các động Tam Thanh, đèo Mẫu Sơn, ải Chi Lăng, còn các di tích lịch sử như Bắc Sơn, các khu rừng hồi ở Bình Gia, các cửa khẩu hầu như ít ai nghĩ đến. Trừ động Tam Thanh được chú ý hơn một chút, còn các điểm khác chưa được đầu tư thích đáng, các sản phẩm du lịch nghèo nàn, không hấp dẫn.

Bởi thế đến Lạng Sơn, nếu ai có đi du lịch thì phần lớn tính chuyện làm giấy thông hành chớp nhoáng sang bên kia biên giới, sang Pồ Chài, đến Bằng Tường ngó nghiêng, hoặc đi lên Sùng Tả, thành phố Nam Ninh của Khu tự trị dân tộc Choang của Quảng Tây gọi là có tí chút là lạ.

Đi du lịch thì ít, sắm hàng thì nhiều

Cuối năm Mậu Tý, cận kề năm Kỷ Sửu, quốc lộ 1 nhộn nhịp ôtô từ dưới xuôi, từ miền Trung, miền Nam đổ về thành phố Lạng Sơn, lên cửa khẩu Tân Thanh. Chợ Đông Kinh nằm giữa thành phố từ nhiều năm đã trở thành chợ Tàu. Cứ nghĩ vào lúc kinh tế khủng hoảng thì chợ sẽ vắng tanh, nhưng ngược lại vẫn chật cứng ôtô trong sân hẹp, khách vẫn đông đảo khắp 3 tầng chợ. Thôi thì đủ loại hàng, đủ loại giá, người mua cũng nhiều mà người đi ngắm chợ cũng không ít.

Hầu hết, nếu không nói là tất cả, là hàng Tàu. Mặt hàng quần áo, chăn bông gối đệm chiếm thế thượng phong. Màu sắc rực rỡ, giá cả khá mềm. Để ý, thấy ít hẳn loại chăn len dày cộm, nặng chình chịch một thời đua nhau mua, đua nhau dùng. Hỏi ra mới biết, người Tàu nhạy bén thương trường lắm.

Họ nắm bắt được người Việt vài ba năm nay chuộng loại chăn Everon vừa nhẹ vừa ấm, dù giá có phần hơi “chát”. Thế là ngay lập tức hàng trăm, hàng nghìn chăn Hàn Quốc từ bên Tàu tràn sang, y chang Everon xuất hiện khắp các chợ Lạng Sơn, hút khách, vì giá chỉ bằng nửa hoặc nhỉnh hơn nửa giá chăn Everon thứ thiệt.

Ông Lê Xuân Lô, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn, nhận xét: “Sau nhiều năm làm mưa làm gió, hàng Tàu đã trở nên kém hấp dẫn, bởi vì người tiêu dùng Việt Nam nhận ra chất lượng hàng của họ chỉ vào loại tầm tầm. Hơn nữa, tỉ giá hối đoái của Nhân dân tệ cao hơn đến 5-7 giá, nên giá hàng cũng cao hơn.

Vừa qua, vào dịp Olympic Bắc Kinh, Trung Quốc hạn chế khách du lịch cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc và mưa lũ cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008 đã làm giảm sút lượng khách mua tại chợ Đông Kinh, cũng như tại các chợ Kỳ Lừa, Chi Lăng, Bờ Sông thuộc thành phố”.

Nhưng thật lạ. Giữa rừng quần áo hỗn độn giá vài chục đồng, hoặc ngót nghét một trăm đồng ấy lại có những chiếc áo rét 2-3 triệu đồng, những quần âu 600.000 đồng-700.000 đồng.

Bà Phan Thị Đức, một người bán hàng quần áo đã 14 năm ở chợ Đông Kinh, giải thích: “Hàng bình dân bán chậm, nên một số người có vốn lớn đã sang tận Quảng Châu đặt hàng hiệu, với số lượng nhất định. Nhà sản xuất Tàu chỉ sản xuất đủ số lượng đã ký với khách hàng, và họ chuyển sang tận nơi. Vì vậy, hàng này chất lượng cao, mới cạnh tranh được với hàng may mặc cao cấp Việt Nam”.

Có thể như thế, nhưng xem ra khách đến xem thì nhiều, còn khách mua thì ít. Anh Vũ Văn Việt ở Hà Nội, cười hóm hỉnh: “Đi để cho biết thôi, chứ nếu mua thì ở Hà Nội chẳng thiếu, mà giá chưa chắc cao hơn ở đây”.

Bà chủ sạp nào cũng cam đoan hàng tốt, nhưng khó giải thích nổi vì sao lại có giá sát đất như vậy. Ông Lô bảo không có gì khó hiểu, vì dân ta và dân Trung Quốc ở vùng biên ngày nào cũng mang hàng sang, theo qui định mỗi người được phép mang số hàng trị giá dưới 2 triệu đồng một ngày mà không bị đánh thuế. Hàng đó đều thuộc loại xách tay, chất lượng thấp, nên giá cả cũng thấp. Đương nhiên, tiền nào của nấy.

Nếu chợ Đồng Đăng bán buôn là chủ yếu, thì chợ Đông Kinh lại bán lẻ nhiều. Hàng Trung Quốc xấu tốt lẫn lộn, dù nhìn bề ngoài thì mẫu mã, màu sắc khó mà phân biệt được. Có điều người Hoa giỏi đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, nên hàng vẫn ùn ùn hàng ngày, hàng giờ đổ vào Việt Nam mà không bị ứ đọng.

Hàng Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế

Một thời, hàng điện tử của họ tràn ngập miền xuôi, miền ngược, xâm chiếm từ Bắc vào Nam. Nhưng rồi hàng điện tử liên doanh của ta lên ngôi, chất lượng hơn hẳn, giá cả chấp nhận được, nên hôm nay lên xứ Lạng thấy thưa thớt tivi, radio Tàu.

Đến chợ nào cũng thấy rực rỡ dây đèn nhấp nháy xanh đỏ tím vàng vui mắt, chỉ có giá bằng bát phở bình dân. Đèn nhấp nháy trang trí cành đào, chậu quất làm tưng bừng ngày Tết, rồi có vứt đi cũng không tiếc tiền.

Ông Bích chuyên “đánh” loại đèn nhấp nháy, năm nay có trong kho tới 5.000 dây đèn, ông gật gù: “Người ta lắm vốn buôn hàng sang. Tôi mèo nhỏ bắt chuột nhỏ, nhưng bán sắp hết hàng, cũng có cái Tết ra Tết, ông ạ”. Một loại hàng mà hầu như ở các chợ, các siêu thị Tàu, từ Móng Cái đến Lạng Sơn, Lào Cai... vẫn tiêu thụ lớn, vẫn thu hút khách mua, là điện thoại di động Tàu.

Một chuyên gia về mặt hàng này, ghé tai nói nhỏ: “Mẫu mã bóng bảy, thử máy oang oang, xem được cả tivi, giá cao nhất chưa đến 2 triệu, còn vài trăm là cũng sắm được “con” Nokia. Nhưng ông nhớ tiền nào của nấy nhé!”

Cảnh giác thế thôi, chứ thiên hạ vẫn xúm đông tại các gian hàng điện thoại, người Tàu vẫn đánh trúng tâm lý ham rẻ của không ít người tiêu dùng. Nếu bảo dán nhãn mác giả là vi phạm luật sở hữu trí tuệ, thì các hộ buôn bán ở các chợ Lạng Sơn, và ngay ở chợ Pò Chài bên kia biên giới, đều bị xử lý hết. Nhưng đấy chỉ là chuyện cổ tích ở vùng biên này, cho nên dù kinh tế có trồi sụt chút đỉnh, thì trên 920 hộ đăng ký buôn bán cố định (không kể hàng trăm hộ khác) ở chợ Đông Kinh vẫn không ai bỏ sạp.

Tính ra, trung bình một ngày mỗi hộ thu nhập chỉ 3 triệu đồng thôi, thì hàng ngày chợ lớn nhất thành phố này cũng có doanh thu trên 2,7 tỉ đồng. Chẳng thế mà, giữa lúc kinh tế khó khăn như lúc này, Ban Giám đốc Công ty Cổ phần chợ Lạng Sơn vẫn tiến hành cải tạo nâng cấp chợ, trước mắt san mặt bằng một phần chợ Bờ Sông để làm bãi đậu xe tải của chợ Đông Kinh. Nói thế không hẳn cứ đầu tư thêm chợ nữa ở thành phố này vẫn có lãi.

Đêm 31/12/2008, Công ty Bất động sản Hà Nội làm lễ khai trương chợ Phú Lộc ở Kỳ Lừa. Đây là ngôi chợ to lớn 3 tầng, thiết kế hiện đại có thang cuốn. Nhưng chợ chưa kín 2 tầng, còn tầng 3 vẫn im lìm, thưa thớt người mua, 10 khách đến xem thì giỏi lắm chỉ 1 người mua. Hàng hóa cũng chỉ là bản sao chép của các chợ Tàu khác trên đất Lạng Sơn.

Ai kiểm soát được thất thoát thuế vùng biên?

Ở cửa khẩu Tân Thanh thuộc huyện Văn Lãng, quang cảnh cuối năm có lúc trái ngược nhau.

Buổi sáng, cửa khẩu vắng lặng. Ôtô tải cỡ lớn nối đuôi nhau đợi qua biên giới, hầu hết đều chở hoa quả như dưa hấu, thanh long, chôm chôm, bưởi. Nhiều nhất là các xe ba gác của dân Trung Quốc vùng biên, mẹ kéo, con bé trên dưới 10 tuổi đẩy, trên xe lèo tèo mấy thứ hàng không phải thuế. Mẹ con chở hàng vào mấy chợ, nhận tiền công chuyên chở, rồi ra ngồi vỉa hè húp bát bún, bát mì nóng, sau đó trở về qua cửa khẩu.

Anh lái xe Trương Hòa ở Bình Định, ngồi duỗi chân trên ghế đá, bảo: “Chúng tôi chở hàng sang Trung Quốc nhiều năm rồi. Có khi thuận buồm xuôi gió, nhưng cũng có lúc bất ngờ người ta không nhận hàng, đành bán thốc bán tháo giá rẻ. Mùa này, chắc là không có chuyện xui xẻo. Tôi đợi làm giấy xong là đưa xe qua”.

Tại cơ quan chi cục hải quan Tân Thanh, không thấy cảnh chen chúc như những năm trước, không phải vì do sắp xếp lại trật tự, mà do hàng hóa không nhiều như trước. Chị Nguyễn Thị Lan đang ghi ghi chép chép một tập đơn hàng, thỉnh thoảng lại gọi điện thoại di động. Sau đó, chị vào trình giấy hải quan, rồi vội vàng chạy ra nơi xếp hàng ô tô tải.

Cũng làm công việc tương tự còn có một số anh, chị nữa. Hóa ra đấy là những người chuyên làm công việc giấy tờ thông quan, được chủ hàng ủy nhiệm. Chừng nửa giờ sau, thấy anh lái xe Trương Hòa khởi động ô tô, lái ra phía cửa khẩu, tiếp theo cả đoàn xe tải to và dài lặc lè chuyển bánh.

Theo ông Nguyễn Trường Hùng, Phó chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh, năm 2008, thực hiện chương trình thu hoạch sớm của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc, thuế suất nhập khẩu của mặt hàng hoa quả, nông sản (mặt hàng nhập khẩu chủ yếu qua chi cục) giảm xuống 0%, nhưng số thu thuế năm 2008 vẫn vượt chỉ tiêu thu ngân sách do Cục Hải quan Lạng Sơn giao.

Đến khoảng 10 giờ sáng, cửa khẩu bỗng trở nên náo nhiệt, tấp nập người, ô tô mang biển số nhiều tỉnh thành “đổ bộ” mỗi lúc một đông. Cảnh sát giao thông liên tục thổi còi, xe máy, xe ba gác lộn xộn, người mua kẻ bán chạy ngang chạy dọc, làm chật lại con đường khá rộng. Không chỉ gây khó khăn về giao thông, trật tự, mà đây còn là vấn đề thất thoát thuế.

Ngày 7/11/2006, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 254 về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, trong đó miễn thuế cho cư dân hai bên biên giới được miễn thuế đối với hàng hóa mang vác trị giá dưới 2 triệu đồng. Lợi dụng qui định này, các chủ hàng ở bên kia biên giới đã thuê người dân mang vác hàng hóa sang ta, tránh bị đánh thuế.

Ngày 10/10/2008, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã có công văn hướng dẫn thực hiện thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới. Ông Nguyễn Trường Hùng cho biết việc thực hiện gặp phải sự kích động của các đầu nậu đối với cư dân biên giới, gây mất trật tự an ninh, khó khăn cho công tác quản lý, giám sát tại cổng số 1.

Hiện vẫn còn một số hộ dân sinh sống trong khu vực bãi kiểm hóa, và không loại trừ khả năng chủ hàng tẩu tán hàng vào những nhà đó, chờ cơ hội đưa vào nội địa. Cũng khó mà kiểm soát được triệt để, vì cả vùng biên xứ Lạng này có đến hàng mấy chục con đường núi tràn hàng Tàu vào ta. Xem ra cuộc đổ bộ hàng tầm tầm của họ đạt được mục đích, tích tiểu thành đại.

Nếu ở chợ Đông Kinh còn có một số ít hàng Tàu chất lượng chấp nhận được, thì ở các chợ Tân Thanh này bói không ra thứ hàng nào gọi là có giá trị. Càng đến trưa, khách dưới xuôi đổ lên càng nhiều, các gian hàng vắng như chùa Bà Đanh bỗng chen lấn người mua, càng nhiều người mua càng hạ giá. Chợ búa những ngày cuối năm vùng biên này, ngoài những xe hoa quả của ta sang bên kia Pồ Chài, để rồi chở nặng hàng bên đó về ta, còn có hàng trăm tấn sắn bột của ta nằm ứ đọng ở một cửa khẩu gần đó đã mấy tháng trời.

Nhưng dù thế nào đi nữa, càng xuôi Hà Nội, càng thấy ôtô đủ loại vẫn lũ lượt lên cửa khẩu Tân Thanh. Không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh sát giao thông vẫn kiểm tra xe về xuôi, mặc dù như ông Lê Xuân Lô nói là tỉnh đã yêu cầu tất cả các lực lượng chấm dứt việc kiểm tra như vậy...