08:25 13/06/2007

Lãnh đạo BMC nói gì về việc cổ phiếu tăng phi mã?

Ban lãnh đạo BMC nói gì về "cơn điên" tăng giá của BMC cũng như việc BMC giảm giá sàn vào ngày 12/6?

Cổ phiếu BMC đã đạt khối lượng khớp lệnh kỷ lục trong ngày 12/6.
Cổ phiếu BMC đã đạt khối lượng khớp lệnh kỷ lục trong ngày 12/6.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6, giá cổ phiếu Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định (mã chứng khoán BMC) đột ngột giảm sàn 28.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 547.000 đồng/cổ phiếu.

>>Đọc thêm về BMC

Đây cũng là lần đầu tiên khối lượng khớp lệnh của BMC đạt mức kỷ lục là 34.330 cổ phiếu và vẫn còn dư bán. Ban lãnh đạo BMC nói gì về "cơn điên" tăng giá của BMC cũng như việc BMC giảm giá sàn vào ngày 12/6?

Một lãnh đạo thuộc cấp cao nhất của BMC nói với báo giới về việc giá BMC giảm phiên đầu tiên sau nhiều phiên tăng liên tục: "Nói thật với anh, nếu tôi bảo là mừng thì vô trách nhiệm với các cổ đông nhưng bảo tôi buồn thì cũng không phải. Nhưng rõ ràng có một sự thật mà tôi muốn nói: thực tâm ban lãnh đạo của BMC cũng không muốn giá tăng đến mức khủng khiếp như vậy".

Một lãnh đạo cấp cao khác cũng của BMC (đề nghị không nêu tên) đã trao đổi khá cởi mở xung quanh việc BMC tăng giá phi mã.

Ông này cho biết: "Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cổ phiếu cứ tăng kịch trần 5 phiên liên tục là phải giải trình. Chúng tôi đã giải trình một lần rồi nhưng sau đó giá cũng tăng nhiều hơn cả 5 phiên nhưng chưa thấy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bắt làm giải trình tiếp".

Ông thừa nhận: "Nếu bảo chúng tôi làm giải trình thì chúng tôi cũng không biết nói thế nào vì chắc cũng lại công bố thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh và các dự án đang triển khai tương tự như lần trước thôi. Về mặt kinh doanh, hoạt động của chúng tôi vẫn bình thường, tốt; còn về việc giao dịch cổ phiếu thì chúng tôi cũng chịu. Hiện tại, cổ đông bên ngoài đã nắm giữ tới hơn 30% cổ phiếu của công ty rồi (Nhà nước nắm giữ 51%) nên chúng tôi đâu có thể tác động gì đến giá cổ phiếu.

Thêm vào đó, công ty của chúng tôi có trụ sở ở miền Trung, giao dịch cổ phiếu thì chủ yếu diễn ra ở Tp.HCM và Hà Nội, giá tăng hay giảm mà nói chúng tôi giải thích thì cũng khó. Nói thật là tôi cũng không biết giải thích, giải trình thế nào".

Ông này cho biết thêm, các nhân viên của BMC gần như đã bán hết số cổ phiếu họ nắm giữ; những người còn cổ phiếu là những người thuộc Hội đồng Quản trị hoặc lãnh đạo công ty. Ông cũng thông tin thêm, khi giá lên quá cao, ngoài việc phải giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, BMC còn liên tục phải giải trình với các cơ quan nhà nước khác.

Ông này nói: "Giá tăng quá cao tạo ra một áp lực quá lớn đối với ban lãnh đạo. Hết cơ quan này đến cơ quan kia bắt giải thích đến đau cả đầu về một việc mà chính chúng tôi cũng không giải thích được. Chúng tôi chỉ muốn tập trung vào hoạt động kinh doanh và làm ra lợi nhuận thôi. Mức giá trên thị trường kia là do các cổ đông đại chúng họ mua bán và quyết định chứ chúng tôi đâu làm được gì".

Lãnh đạo BMC cho biết thêm: "Cũng có người nói với chúng tôi là giá tăng thế thì sao không nhân cơ hội này phát hành. Chúng tôi cũng nghĩ đó là một cơ hội nhưng cứ chăm chăm vào cái việc phát hành đó thì có vẻ như không đúng với hoạt động kinh doanh của chúng tôi lắm. Nếu chúng tôi làm xạo thì các cổ đông cũng sẽ không tin chúng tôi nữa nên chúng tôi chỉ cân nhắc việc tăng vốn khi phù hợp".

Trao đổi với báo giới sáng 12/6, một quan chức cấp cao của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cho biết: "Trước đây, khi giá BMC tăng liên tục 5 phiên, Trung tâm cũng đã có văn bản yêu cầu BMC giải trình và công bố thông tin. Sau khi họ giải trình công bố thông tin kèm với một số kiểm tra về các giao dịch trên thị trường thì chưa có dấu hiệu của việc thao túng giá.

Cho tới thời điểm hiện nay, chúng tôi chỉ có thể nói là hiện tượng tăng giá đó là do cung cầu thị trường. Các thông tin về việc thao túng giá, tung hứng giá... cần có điều tra cụ thể và có bằng chứng thì mới đi đến kết luận được".