19:03 24/08/2021

Lao động “3 tại chỗ” tại địa phương giãn cách được hỗ trợ bữa ăn

Nhật Dương

Người lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sẽ được hỗ trợ bữa ăn với mức 1 triệu đồng/người…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 24/8 ra quyết định hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Theo đó, đối tượng hưởng là đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn tại các nơi nói trên, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất.

Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người, hỗ trợ 1 lần. Thời điểm thực hiện hỗ trợ được tính từ ngày quyết định có hiệu lực (24/8/2021).

Nguồn kinh phí thực hiện do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ cho công đoàn cơ sở từ nguồn tài chính tích lũy của đơn vị còn được sử dụng tại thời điểm cấp, và đảm bảo sau khi cấp số dư tại đơn vị còn tối thiểu 1 tỷ đồng.

Trường hợp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không đủ nguồn để cấp hỗ trợ (số dư tích lũy còn dưới 1 tỷ đồng) thì liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương…cấp bù để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cấp đủ cho công đoàn cơ sở.

Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương cấp hỗ trợ cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở từ nguồn tài chính tích lũy của đơn vị còn được sử dụng tại thời điểm cấp hỗ trợ, và đảm bảo sau khi cấp hỗ trợ số dư tại đơn vị còn tối thiểu 5 tỷ đồng.

Trường hợp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương không đủ nguồn để cấp (số dư tích lũy còn dưới 5 tỷ đồng) thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cấp bù để liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cấp đủ cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên, người lao động được doanh nghiệp huy động để thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thẩm định cấp kinh phí.

Trường hợp doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với doanh nghiệp kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, người lao động thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất để chi hỗ trợ.

Từ đó, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cấp hỗ trợ khi không cân đối được nguồn.

Trên cơ sở đề xuất của đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở thống nhất với chủ doanh nghiệp về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn, chuyển kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp để tổ chức bữa ăn theo chính sách chung của doanh nghiệp. Đồng thời công đoàn cơ sở giám sát việc tổ chức thực hiện bữa ăn và công khai tới đoàn viên, người lao động.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay có hơn 1,3 triệu đoàn viên, người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên 1.000 doanh nghiệp với hơn 84.000 lao động phải thực hiện vừa cách ly, phong tỏa vừa sản xuất.