14:35 16/03/2023

Lao động Hà Nội có thể nộp hồ sơ trực tuyến hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Phúc Minh

Người lao động tại Hà Nội có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến thông qua việc quét mã QR Code (qua Zalo) để truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) vừa có hướng dẫn người lao động các bước để đăng ký/đăng nhập và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến, trước tiên người lao động quét mã QR Code (qua Zalo) để truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đăng ký tài khoản Dịch vụ công quốc gia

Bước 1: Sau khi quét mã QR, người lao động chọn “Danh sách dịch vụ công”, sau đó di chuyển xuống cuối màn hình chọn mục “Cơ quan thực hiện: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội” và bấm nộp trực tuyến.

Bước 2: Tại màn hình chính chọn mục “Thuê bao di động” hoặc “Bảo hiểm xã hội”; tiếp theo nhập đầy đủ các thông tin cá nhân theo mẫu để đăng ký tài khoản (lưu ý: Mục có dấu sao (*) là bắt buộc nhập đầy đủ, chính xác thông tin).

Bước 3: Đăng nhập tài khoản để truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đăng nhập và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Bước 1: Sau khi đăng ký nhập tài khoản, quét mã QR, chọn “Danh sách dịch vụ công”; sau đó di chuyển xuống cuối màn hình chọn mục “Cơ quan thực hiện: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội” và bấm nộp trực tuyến.

Bước 2: Chọn bấm biểu tượng Quốc huy trên màn hình để đăng nhập tài khoản dịch vụ công (lưu ý nhập chính xác mật khẩu và mã OTP gửi về điện thoại cá nhân).

Bước 3: Tại giao diện “Cổng Dịch vụ công quốc gia”, bấm chọn nút màu vàng bên phải màn hình, sau đó bấm đăng nhập lại. Màn hình hiển thị các thông tin cá nhân đã được tích hợp.

Bước 4: Nhập lại các thông tin cá nhân theo mẫu 01 của Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bước 5: Đính kèm Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.

Bước 6: Chọn cơ quan tiếp nhận: UBND tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm và bấm nộp hồ sơ để kết thúc.

Người lao động có thể quét mã QR để đăng ký nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến. Ảnh - HCES. 
Người lao động có thể quét mã QR để đăng ký nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến. Ảnh - HCES. 

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lưu ý, người lao động nhập đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo mẫu: Giới tính, ngày cấp căn cước công dân; ngày chấm dứt hợp đồng lao động; tên công ty trước khi chấm dứt hợp đồng lao động; số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; số tài khoản; tên ngân hàng; cơ quan tiếp nhận hồ sơ (tên tỉnh/thành phố).

Người lao động đính kèm Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (chụp đầy đủ, rõ ràng thông tin và có chữ ký, dấu pháp nhân của cơ quan, công ty theo quy định). Người lao động kiểm tra kỹ các thông tin trước khi bấm nộp hồ sơ.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở đã tiếp nhận, thẩm định 72.680 hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp; ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 70.232 người với số tiền hỗ trợ 1.873 tỷ đồng.

Cùng với đó, đã tư vấn giải quyết việc làm cho 72.680 người; hỗ trợ học nghề 1.581 người, số tiền hỗ trợ 7,043 tỷ đồng. Số lượng người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tương đương so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng trong tháng 1/2023, thành phố đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 3.800 người với số tiền hỗ trợ 108,2 tỷ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.700 người; hỗ trợ học nghề cho 36 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 158,4 triệu đồng.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.

Đồng thời, tiếp tục ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, qua đó giảm thời gian giải quyết và nâng cao được tính chính xác về giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời kết nối hỗ trợ giới thiệu được việc làm cho người lao động