Lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội tăng hơn 10.000 người
Trong 11 tháng năm 2023, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội tăng hơn 10.000 người so với cùng kỳ năm 2022...
Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội thông tin, trong 11 tháng năm 2023, ngành đã chi trả chế độ trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 76.000 lao động. Cùng với đó, các bên giải quyết, tạo điều kiện cho hơn 500 lao động thuộc đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề trình độ sơ cấp.
So với cùng kỳ năm 2022, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng hơn 10.000 người (11 tháng năm 2022, chi trả chế độ cho gần 65.000 người hưởng).
Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, số lượng người hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng phần nào cho thấy sự khó khăn về công tác giải quyết, duy trì việc làm cho người lao động trong năm 2023.
Nhằm bảo đảm đời sống, an sinh cho người lao động, một mặt các cơ quan chức năng TP. Hà Nội phối hợp triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định về việc làm cho người lao động vào thời điểm cuối năm 2023; đồng thời tạo ra nhiều vị trí việc làm mới, giúp nhóm lao động thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động.
Về mặt chính sách, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành trung ương nghiên cứu xây dựng để hoàn thiện, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng bảo đảm việc làm, hỗ trợ nâng cao tay nghề để người lao động có cơ hội duy trì việc làm, hạn chế thấp nhất tình trạng lao động thất nghiệp.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giải pháp quan trọng trong thời gian tới là cần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động.
Cụ thể, sửa đổi Luật Việc làm theo hướng bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ để quản trị thị trường lao động. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, tránh sa thải lao động; bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, nhanh chóng đưa người thất nghiệp trở lại làm việc.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình cắt giảm đơn hàng, giảm việc làm tại một số ngành nghề. Từ đó, tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm; hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, trong đó, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở với người lao động khu vực Nhà nước, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng với người lao động khu vực doanh nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp: Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.