15:39 27/12/2021

Lấp đầy khoảng trống trong hệ sinh thái thẻ chip nội địa

Ánh Tuyết

Trong hệ sinh thái thẻ chip nội địa, có 5 mảnh ghép quan trọng nhưng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực này đều còn nhiều gian nan, nhiều “khoảng trống” chưa được lấp đầy...

Bắt tay với ngân hàng, vận tải khách công cộng đang dần “lột xác” nhờ tích cực chuyển đổi số, ứng dụng phương thức thanh toán không tiền mặt.
Bắt tay với ngân hàng, vận tải khách công cộng đang dần “lột xác” nhờ tích cực chuyển đổi số, ứng dụng phương thức thanh toán không tiền mặt.

Trong hệ sinh thái thẻ chip nội địa, có 5 mảnh ghép quan trọng gồm thanh toán y tế, bảo hiểm, giáo dục; thu phí giao thông công cộng; thu phí giao thông không dừng; dịch vụ công và những dịch vụ, tiện ích khác.

Vận tải khách công cộng có lẽ được xem là khá thức thời, chỉ sau lĩnh vực y tế và trường học. Với việc bắt tay với ngân hàng, vận tải khách công cộng đang dần “lột xác” nhờ tích cực chuyển đổi số, ứng dụng phương thức thanh toán không tiền mặt như thẻ chip, chip contactless..., để nâng cao trải nghiệm hành khách. Tuy nhiên, tính kết nối giữa nhiều lĩnh vực còn bỏ ngỏ.

MỞ LỐI PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro), nhiều quốc gia thành công trong việc ứng dụng thẻ chip vào vé giao thông đường sắt cao tốc, đường sắt nội đô trên cao hay tàu điện ngầm hoặc kết nối giữa các hình thức giao thông vận tải khác, không chỉ giúp hành khách tiện lợi hơn trong việc sử dụng, mà còn kết nối với các dịch vụ khác, thậm chí để đi mua sắm.

 

“Trên thế giới, hệ thống metro xuất hiện từ năm 1863 nhưng phải sau gần 158 năm, Việt Nam mới có tuyến metro đầu tiên là tuyến số 2A, Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động. Vì vậy, việc ứng dụng thẻ chip vào vé giao thông là xu thế của thế giới. Việt Nam càng đẩy nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, để tận dụng cơ hội, tránh tụt hậu so với thế giới”.

Tổng Giám đốc Hà Nội Metro hào hứng với câu chuyện của thẻ chip.

Trong khi đó, về phía nhà cung cấp là các ngân hàng thương mại vẫn đang gặp khó. 

Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nơi được giao nhiệm tham mưu cho Thống đốc thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực thanh toán trong nền kinh tế quốc dân theo quy định của pháp luật đã có nhiều khảo sát về thẻ chip, nhấn mạnh tới sự tiện ích và nhiều giá trị gia tăng khi sử dụng thẻ chip.

“Nếu được áp dụng công nghệ thẻ chip, người dân sẽ được sử dụng, khám phá, tận hưởng những dịch vụ tiện ích tại những hệ thống đường metro trong tương lai như những quốc gia phát triển. Hay trong lĩnh vực thu phí giao thông không dừng, thay vì công nghệ quét thẻ gắn trên kính xe, người dân chỉ cần cầm thẻ chip có thể quẹt ở điểm soát vé cũng dễ dàng qua trạm nhanh chóng”, lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết.

Là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại trên hệ thống xe buýt công cộng nâng cao trải nghiệm hành khách, ngày 2/12 vừa qua, tuyến xe buýt điện đầu tiên của Vinbus chính thức phục vụ người dân Hà Nội.

Khác biệt hoàn toàn so với xe buýt truyền thống, hành khách đi xe Vinbus có thể thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ Napas do ngân hàng trong nước phát hành.

Xe Vinbus cũng được trang bị hệ thống công nghệ thông minh Advantech ghi nhận thái độ phục vụ của tài xế, phụ xe, tốc độ và lịch trình di chuyển, đảm bảo chất lượng dịch vụ ở mức tốt nhất. Những tính năng khác như kết nối wifi miễn phí, hệ thống màn hình thông tin giải trí... đem lại trải nghiệm mới lạ cho hành khách, khác biệt hoàn toàn so với những tuyến buýt truyền thống.

Hiện tại, hệ thống vé tự động (AFC) của Vinbus được làm theo tiêu chuẩn quốc tế cho lĩnh vực giao thông công cộng. Vì vậy, trong tương lai, có thể kết nối và liên thông với các hệ thống có thể như thẻ vé tàu metro, xe đạp công cộng và rất nhiều các tiện ích khác. Từ đó, nâng cao trải nghiệm thanh toán tối đa cho hành khách.

Hệ thống vé tự động AFC của Vinbus vừa triển khai thí điểm tại TP. Hà Nội vào đầu tháng 12 đem lại rất nhiều kết quả tích cực đến từ cả hành khách cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Sau khi thử nghiệm thành công tại Hà Nội, Vinbus đang có kế hoạch chuẩn bị triển khai tại TP. Hồ Chí Minh vào quý 1/2022 tới đây.

Nói về sự khác biệt này, đại diện Vinbus, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Vinbus thông tin, vừa qua, Vinbus và Napas ký kết hợp tác về việc cung cấp giải pháp thanh toán thẻ vé điện tử sử dụng trên hệ thống xe buýt điện tử của Vinbus.

Sự hợp tác giữa hai bên là kết quả của quá trình nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp để đa dạng hóa phương thức thanh toán cho khách hàng. “Hợp tác cùng Napas, Vinbus sẽ trở thành một trong những đơn vị tiên phong áp dụng được công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, tiệm cận với xu hướng thanh toán hiện đại của các quốc gia đang phát triển trên thế giới”, ông Thanh cho biết.

Đồng thời, sự hợp tác này sẽ đáp ứng được mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, góp phần khuyến khích người dân tích cực sử dụng các hệ thống giao thông công cộng. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý sẽ có được dữ liệu chính xác từng chuyến đi của khách hàng. Việc này sẽ giúp cho việc quy hoạch, điều chỉnh mạng lưới tuyến được hiệu quả hơn.

Điều đặc biệt hơn, theo ông Thanh, người dùng sẽ được hưởng lợi rất nhiều vì ngoài sử dụng tiền mặt truyền thống, khách hàng còn có thể sử dụng thẻ thanh toán nội địa, thẻ trả trước, thẻ tháng hoặc ví điện tử để thanh toán trực tiếp trên xe bằng phương pháp táp thẻ trực tiếp hoặc quét mã QR. Với những khách hàng sử dụng thẻ tháng có thể dễ dàng nạp tiền thông qua các ứng dụng internet banking hoặc ví điện tử thay vì phải đến trực tiếp các điểm bán vé cố định như trước đây.

LIÊN THÔNG CÁC LOẠI THẺ THANH TOÁN TỰ ĐỘNG

Tuy nhiên, để ứng dụng những tính năng và tiện ích của thẻ chip vào trong cuộc sống còn không ít điểm phải làm.

Theo ông Nguyễn Bá Tuyến, Phó Giám đốc khối ngân hàng số Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), công tác chuyển đổi thẻ từ hiện nay tiếp tục cần được đẩy mạnh từ phía cơ quan nhà nước, các ngân hàng, để có một lượng dữ liệu khách hàng đủ lớn.

 
"Với 100 triệu thẻ hiện nay đang tồn tại ở trên thị trường, sau khi chuyển đổi thành công sang thẻ chip nội địa, cần ứng dụng những tính năng, những công nghệ hiện có để khách hàng người ta chỉ cần cầm một thẻ ngân hàng mà không phát sinh thêm bất kỳ thẻ nào khác. Khi đó, công nghệ mới thực sự đi vào cuộc sống".
Ông Nguyễn Bá Tuyến, Phó Giám đốc khối ngân hàng số Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Thứ hai, thực tế hiện nay, một người dân cầm trong túi không biết bao nhiêu thẻ, từ thẻ quốc tế, thẻ nội địa, thẻ của các nhãn hàng, Vinbus, metro lại thêm một thẻ nữa… gây nhiều bất tiện trong quá trình sử dụng.

Còn theo ông Vũ Hồng Trường, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có sức chuyên chở tương đương với 12 tuyến xe buýt lớn chứa 80 hành khách. Xét về tốc độ vận hành, tương đương với 24 tuyến xe buýt lớn 80 hành khách. Khả năng chuyên chở của tuyến có thể đáp ứng được từ 60-65% lưu lượng giao thông trên hành lang tuyến.

“Hiện hệ thống thanh toán bằng thẻ chip của tuyến Cát Linh - Hà Đông mới chỉ phục vụ cho việc thanh toán cho hành khách sử dụng dịch vụ trên tuyến. Để tăng tiện ích cho hành khách, cần liên kết với Vinbus hay kết nối với các tuyến metro khác, kết nối với các đơn vị gửi xe, Grab và đầu tư tương xứng để đem lại nhiều tiện ích cho hành khách và càng được đông người dân sử dụng, đó là thành công”, ông Trường nhấn mạnh.

Về phần mình, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) luôn tập trung nghiên cứu và ra mắt những sản phẩm thẻ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng, tăng tính tiện ích cho chủ thẻ.

Đặc biệt, Napas từ lâu có những nghiên cứu mang tính chiến lược để xây dựng một hệ thống giải pháp phần mềm, hỗ trợ cho các giao dịch về giao thông công cộng. Trên cơ sở đó, thời gian vừa qua, Napas hợp tác với Vinbus hỗ trợ thanh toán về thẻ vé điện tử trên tuyến xe buýt điện của Vinbus.

Hệ thống của Napas sẵn sàng đáp ứng cho các nhu cầu về thanh toán về giao thông công cộng theo những công nghệ mới nhất, bao gồm cả công nghệ tính phí lưu trên thẻ hoặc tính phí lưu trên hệ thống máy chủ, sẵn sàng hợp tác cùng với các tuyến metro và những dự án về giao thông công cộng khác ở trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác trên cả nước.