19:45 16/04/2018

Lệch pha báo cáo tài chính: Do chế tài chưa đủ sức răn đe?

KIỀU LINH

Chênh lệch số liệu báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán dù khách quan hay chủ quan cũng ảnh hưởng đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư

Chênh lệch số liệu báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán dù khách quan hay chủ quan cũng ảnh hưởng đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư.
Chênh lệch số liệu báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán dù khách quan hay chủ quan cũng ảnh hưởng đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư.

Sau kiểm toán, xuất hiện nhiều doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận giảm sút mạnh so với số liệu công ty tự lập trước đó, thậm chí có những doanh nghiệp từ lãi chuyển sang lỗ lớn.

Bốc hơi lợi nhuận sau kiểm toán

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã có công văn gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (mã chứng khoán PXA - HNX) về việc giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết.

Theo HNX, báo cáo tài chính năm 2017 thể hiện PXA lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2017. Cổ phiếu PXA thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết theo quy định. Do đó, đề nghị PXA giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Trên báo cáo tài chính công ty tự lập, năm 2017 doanh thu thuần đạt 13,5 tỷ đồng, trừ giá vốn và các loại chi phí phát sinh, năm 2017 PXA ghi nhận lỗ hơn 10,1 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2017 lên 139,7 tỷ đồng. Trong khi đó vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Cổ phiếu PXA chưa phải nằm trong diện bị hủy niêm yết.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính quốc tế điều chỉnh công ty lỗ 22 tỷ đồng, tăng đến 12 tỷ so với số liệu tự lập. Điều chỉnh này dẫn đến lỗ luỹ kế đến 31/12/2017 của công ty là 151,68 tỷ đồng, vượt quá vốn của chủ sở hữu thực góp (150 tỷ đồng), rơi vào diện chứng khoán bị huỷ niêm yết theo quy định.

Nằm trong tình trạng tương tự, báo cáo tự lập của Công ty Cổ phần Sông Đà 7 (mã chứng khoán SD7 - HNX) cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp đạt vỏn vẹn 37 triệu đồng. Tuy nhiên, sau kiểm toán, Sông Đà 7 thay vì lãi chuyển sang lỗ 17,6 tỷ đồng dù doanh thu không thay đổi. Trước đó, năm 2016 công ty lỗ 211,32 tỷ đồng và năm 2015 lỗ 14,59 tỷ đồng. Tổng lỗ 3 năm liên tiếp lên đến 243,5 tỷ đồng. Do lỗ nhiều năm liên tiếp nên HNX cũng yêu cầu công ty giải trình nguyên nhân tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết.

Dù không đảo chiều từ lãi sang lỗ, nhiều doanh nghiệp trên sàn cũng ngậm ngùi chứng kiến lợi nhuận bốc hơi sau kiểm toán như Gỗ Trường Thành, Sabeco, Habeco, Hoàng Anh Gia Lai, Tân Tạo, Nhựa Bình Minh…

Báo cáo tài chính năm 2017 của Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF) được kiểm toán cho thấy lợi nhuận sau thuế năm 2017 giảm 91% so với số liệu công ty tự báo cáo, từ lãi 26,4 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 2,34 tỷ đồng, tương ứng mức giảm hơn 24 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của Gỗ Trường Thành sụt giảm mạnh do giá vốn hàng bán tăng 25 tỷ đồng, lợi nhuận tài chính giảm, xuất hiện lỗ khác.

Tại Sabeco, kiểm toán điều chỉnh lợi nhuận giảm 189 tỷ đồng, từ mức 5.137 tỷ đồng xuống còn 4.948 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí giá vốn bị điều chỉnh tăng 122 tỷ đồng, còn chi phí tài chính lại được điều chỉnh giảm 55 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 24 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 82 tỷ đồng, ngoài ra thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại được điều chỉnh giảm một nửa, còn hơn 12 tỷ đồng.

Không chỉ Sabeco, mà cả Habeco cũng bị điều chỉnh giảm xấp xỉ 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán, còn hơn 658 tỷ đồng. 

Bổ sung vào chế tài xử lý hình sự

Chia sẻ về tình trạng lệch pha giữa báo cáo tài chính doanh nghiệp, một chuyên gia trong ngành chứng khoán cho biết, chênh lệch có thể do sai sót, nhầm lẫn trong việc ghi chép và trình bày các khoản mục trên báo cáo tài chính hay có những sai phạm do cách hiểu về hạch toán theo chế độ kế toán, nhưng các sai phạm này thường nhỏ hơn. Và không thể ngoại trừ do chủ ý của lãnh đạo doanh nghiệp với ý đồ làm giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Lợi nhuận doanh nghiệp quay ngoắt 180 độ gây quan ngại trên thị trường và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư đến thị trường chứng khoán nói chung và doanh nghiệp đó nói riêng.

Trách nhiệm đầu tiên đối với báo cáo tài chính của doanh nghiệp là ban lãnh đạo doanh nghiệp. Thế nhưng, đến nay, gần như chưa có quy định cụ thể nào để xử phạt các doanh nghiệp liên tục có sự sai lệch về con số trong báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán.

Nếu có cũng chỉ là các hình thức xử phạt đối với các công ty chậm công bố báo cáo tài chính. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe với những sai phạm mà có dấu hiệu gian dối, thao túng số liệu trong báo cáo tài chính.

Do đó, những hành vi này cần được bổ sung vào chế tài xử lý hình sự đối với hành vi thao túng số liệu báo cáo tài chính để trục lợi. Cơ quan quản lý cần chú trọng vào vấn đề giám sát công ty, thúc đẩy quản trị công ty tại chính doanh nghiệp. Đây là vấn đề có tính giải quyết căn cơ nhưng lâu dài, vị  chuyên gia khuyến nghị.

Đối với nhà đầu tư, để tự bảo vệ mình, cần phải tự phải tự nâng cao kiến thức để đánh giá chất lượng tài chính của doanh nghiệp, đồng thời nên tìm hiểu toàn diện về thương hiệu, uy tín, định hướng của ban lãnh đạo, hoạt động kinh doanh thực tế của công ty trước khi ra quyết định đầu tư