Liên tiếp phát hiện các vụ nhập khẩu trái phép cá ngựa với số lượng lớn vào Việt Nam
Chỉ trong thời gian ngắn, các đơn vị hải quan tại Hà Nội, Hải Phòng đã liên tiếp phát hiện hai lô hàng cá ngựa khô với số lượng lớn. Đây là hàng hóa có giá trị cao trên thị trường và thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, thuộc danh mục II Công ước CITES.
Theo thông tin trong ngày 18/5 từ Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Đội Kiểm soát Hải quan, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan Hà Nội phối hợp với Đội 7 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an thành phố Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra lô hàng tại kho Fedex, qua đó phát hiện 58,74 kg cá ngựa, đây là loại hàng hóa thuộc Phụ lục II Danh mục Cites.
Lô hàng nêu trên được vận chuyển trái phép qua đường chuyển phát nhanh từ Indonesia về Nội Bài.
Ngay sau khi phát hiện, lô hàng đã được gửi tới Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để lấy mẫu phân tích, giám định. Kết quả cho thấy toàn bộ số mẫu động vật trong 2 kiện hàng là loài cá ngựa gai, có tên khoa học là Hippocampus spinosissimus.
Loài cá ngựa gai Hippocampus spinosissimus có tên trong Phụ lục II, Danh mục các loại động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ban hành kèm theo Thông báo 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam.
Trước đó, tại Hải Phòng, một vụ việc tương tự cũng đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Trong các ngày 30 và 31/3/2022, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra, khám xét 1 lô hàng được vận chuyển từ Indonesia về cảng Hải Phòng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đứng tên nhận hàng tại Việt Nam là một Công ty TNHH có địa chỉ tại Hải Phòng. Hàng hóa khai báo trên vận đơn là 540 cartons of frozen Muroaji fish (tạm dịch: cá đông lạnh).
Kết quả kiểm tra khám xét, hàng hóa ngoài cá đông lạnh như khai báo trên vận đơn, lực lượng Hải quan còn phát hiện một số lượng lớn hàng hóa là cá ngựa các loại được ngụy trang cất giấu trong đáy container, trọng lượng khoảng 350 kg.
Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, hiện Việt Nam vẫn bị đánh giá là quốc gia trung chuyển và là thị trường tiêu thụ động vật hoang dã lớn trên thế giới. Công tác xử lý đối với hàng tấn động vật hoang dã vận chuyển trái phép qua khu vực cảng biển vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Số liệu của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho thấy từ năm 2008 đến nay có hơn 60 tấn động vật hoang dã bị vận chuyển trái phép qua các khu vực cảng biển vào Việt Nam và đưa đi tiêu thụ.
Năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 3.700 vụ việc vi phạm liên quan động vật hoang dã. Trong đó, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã chiếm tới 2.594 vụ việc, tiếp theo là gần 1.000 vụ việc liên quan tàng trữ, nuôi nhốt trái phép và hơn 180 vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã.