19:40 18/04/2007

Liệu đã kết thúc chu kỳ giảm giá?

Hoàng Xuân

Câu hỏi đặt ra là liệu phiên tăng giá này có phải là phiên đánh dấu sự hồi phục trở lại của thị trường hay không?

Nếu căn cứ vào lượng tiền của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài hiện nay đang có để chờ thì VN-Index có thể xoay quanh mức 900 điểm - Ảnh: VNN.
Nếu căn cứ vào lượng tiền của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài hiện nay đang có để chờ thì VN-Index có thể xoay quanh mức 900 điểm - Ảnh: VNN.
Cuối cùng thì thị trường chứng khoán cũng đã có được một phiên tăng giá vô cùng ngoạn mục vào phiên ngày 18/4.

Tại thị trường Tp.HCM, phiên phục hồi này, dù chỉ đạt giá trị giao dịch khiêm tốn hơn 462 tỷ đồng, nhưng lại đúng vào lúc có thể nói tâm lý chán nản của đa phần nhà đầu tư nhỏ lẻ gần đạt tới cực đỉnh nên tác động khá tốt.

Rất nhiều người hiểu rằng thị trường lên cao rồi sẽ xuống và họ cũng ý thức được rằng sự điều chỉnh đó đang diễn ra trên thị trường, nên bất kỳ sự thay đổi trong lúc này đều phải được xem xét thật kỹ càng.

Với việc tăng 35,4 điểm trong phiên này, chỉ số VN-Index đã gần như lấy lại được số điểm đã mất trong 2 phiên giảm mạnh đầu tầu và vượt qua được ngưỡng 1.000 điểm, ngưỡng mà cách đó 2 ngày chỉ số này đã bị phá vỡ. Mức mà VN-Index đạt được vào cuối giờ đóng cửa là 1.002,12 điểm là do có tới 87 loại cổ phiếu tăng trần trong tổng số 98 loại tăng giá của phiên.

Lượng mua và bán ra của nhà đầu tư nước ngoài cân bằng nhau. Trong khi tổng giá trị mua vào 44 chứng khoán các loại đạt giá trị 62,717 tỷ đồng (chiếm 13,85% giao dịch toàn thị trường) thì tổng giá trị bán ra 39 mã chứng khoán với 62,537 tỷ đồng (chiếm 13,81% giao dịch toàn thị trường).

Các chứng khoán được mua nhiều nhất là VIP (92.230 cổ phiếu), PRUBF1 (67.000 cổ phiếu), VNM (65.690 cổ phiếu), TDH (44.020 cổ phiếu). Các chứng khoán bán ra nhiều là BHS (89.100 cổ phiếu), FPT (42.440 cổ phiếu), DHG (30.250 cổ phiếu), VFMVF1 (29.700 cổ phiếu), DHA (10.880 cổ phiếu).

Tổng số lệnh đặt mua phiên này là 12.557 lệnh với tổng khối lượng đặt mua 13.473.910 chứng khoán, so với ngày giao dịch trước tăng 61,79% (khối lượng còn lại chưa khớp là 9.346.340 đơn vị); tổng số lệnh đặt bán phiên này là 3.167 lệnh với tổng khối lượng đặt bán 4.490.060 đơn vị, so với phiên trước giảm 49,29% (khối lượng còn lại chưa khớp là 362.490 đơn vị).

Chênh lệch khối lượng (mua - bán) là +8.983.850 chứng khoán, hiệu số mua - bán của phiên giao dịch trước là - 527.210 chứng khoán.

Câu hỏi đặt ra là liệu phiên tăng giá này có phải là phiên đánh dấu sự hồi phục trở lại của thị trường hay không? Giới quan sát thì cho rằng thị trường chưa thoát khỏi xu thế điều chỉnh. Nếu theo phân tích kỹ thuật dựa trên biểu đồ về biến động cung cầu cổ phiếu, VN-Index được dự đoán còn có thể xuống tới mức 800 điểm mới có thể dừng lại và đi lên.

Song nếu căn cứ vào lượng tiền của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài hiện nay đang có để chờ thì VN-Index có thể xoay quanh mức 900 điểm.

“Tất nhiên, lúc này thị trường sẽ không còn cảnh xuống liên tục hàng tháng hoặc hàng năm như những năm 2001-2003 mà sẽ vẫn có những phiên tăng xen kẽ với giảm. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ trong hơn 1 tháng suy giảm vừa qua sẽ thấy khoảng cách giữa phiên tăng và giảm đang ngày càng giãn rộng. Đỉnh mới thấp hơn đỉnh cũ và đáy ngày hôm nay sâu hơn đáy của ngày hôm qua”, một chuyên gia chứng khoán phân tích.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí đầu tuần này, ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán - cho rằng việc chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng nhạy cảm 1.000 điểm là kết quả của nhiều chính sách không chỉ của Ủy ban chứng khoán Nhà nước như qui định không tăng “room” của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế các ngân hàng hùn vốn kinh doanh chứng khoán qua các công ty chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước... Quan điểm của Ủy ban là luôn khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.