16:49 11/05/2016

Liều vitamin vàng

PV

Liều vitamin vàng - Ảnh 1

Vitamin E

Vitamin E là một trong những chất nằm trong nhóm vitamin và cũng tuân theo chức năng của nhóm vitamin là tham gia vào các phản ứng của cơ thể với vai trò xúc tác, giúp cơ thể chuyển hóa (trong những trường hợp cụ thể, nếu thiếu có thể gây ra những bất thường cho cơ thể). Như vậy, tuy vitamin E không phải là một chất tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển hóa của cơ thể nhưng lại có tính chất góp phần rất quan trọng trong quá trình này, giúp cho cơ thể khỏe mạnh, chống lại sự sản xuất dư thừa gốc tự do, chống lại quá trình chết tế bào, kìm hãm quá trình lão hóa, giúp da tóc mịn màng…

Vitamin E có rất nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc thiên nhiên có nhiều chất béo như: đậu tương, giá đỗ, vừng, lạc, mầm lúa mạch, hạt hướng dương, dầu olive. Vì vậy chỉ cần ăn nhiều dầu thực vật hoặc các thức ăn có nhiều vitamin E hàng ngày là đủ. Nếu thiếu, trong một số trường hợp cụ thể nên được các bác sĩ tư vấn về sự cần thiết có phải sử dụng vitamin E không, liều lượng thế nào và thời gian sử dụng bao lâu… Hiện nay các nhà thuốc có bán loại vitamin E nguồn gốc thiên nhiên, dạng viên nang, một vỉ 10 viên với tá dược là dầu đậu tương, hàm lượng thích hợp và dễ dùng.

Liều vitamin vàng - Ảnh 2

Việc sử dụng vitamin E khá an toàn. Lượng dư thừa, không được sử dụng sẽ nhanh chóng đào thải ra khỏi cơ thể. Liều cần thiết cho cơ thể sử dụng hàng ngày trung bình khoảng từ 100 - 400IU. Vitamin E hầu như không có tác dụng phụ khi sử dụng ở liều thông thường. Tuy nhiên, khi lạm dụng vitamin E, dùng liều quá cao có thể gặp các tác dụng phụ. Ở liều cao (trên 400IU/ngày), nó lại thúc đẩy các tổn hại do quá trình ôxy hóa gây ra và khống chế các tác nhân chống lão hóa khác. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất khi dùng vitamin E quá liều là tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, suy nhược... Những triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi sau khi ngừng thuốc.

Bạn đang dùng vitamin E dài ngày cũng nên lưu ý tương tác thuốc của vitamin E. Vitamin E có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu. Vitamin E đối kháng với tác dụng của vitamin K và sẽ làm tăng thời gian đông máu. Khi dùng chung với aspirin, vitamin E có thể cản trở sự ngưng kết tiểu cầu của aspirin. Sử dụng vitamin E liều cao hơn 400IU/ngày trong thời gian dài, đặc biệt khi kết hợp cùng estrogen có thể gây ra huyết khối, cần hết sức thận trọng.

Thần dược cho đàn ông

Đã đến lúc cánh mày râu nên chú ý đến một chế độ dinh dưỡng giàu vitamin E - vũ khí số một chống lại 2 căn bệnh ung thư điển hình của nam giới là tiền liệt tuyến và bàng quang. Vitamin E có một số dạng khác nhau, song không phải loại nào cũng có khả năng chống ung thư. Qua 2 nghiên cứu gần đây, người ta kết luận rằng vitamin E dạng alpha tocopherol là tích cực nhất. Loại này không được tìm thấy trong các viên thuốc bổ sung, mà lại chỉ tập trung ở những loại thực phẩm như hạt hướng dương, rau bina, quả hạnh, hạt tiêu, lạc, ngũ cốc nguyên hạt, dầu và bơ thực vật, đậu Hà Lan... Trong một nghiên cứu của nhóm tác giả Xifeng Wu và John Radcliffe đến từ Đại học Texas, người ta đã so sánh tác dụng của các dạng vitamin E trên 500 bệnh nhân ung thư bàng quang và một nhóm đối chứng khỏe mạnh. Kết quả cho thấy alpha tocopherol có khả năng làm giảm 42% nguy cơ phát triển ung thư bàng quang, còn gamma tocopherol gần như không có tác dụng kháng bệnh. Theo Radcliffe, mỗi người cần hấp thu khoảng 50 milligram vitamin E từ thực phẩm mỗi ngày mới thoả mãn nhu cầu cơ thể.

Liều vitamin vàng - Ảnh 3

Giúp người cao tuổi tăng sức đề kháng Vitamin E có thể là "khắc tinh" của các bệnh viêm đường hô hấp trên ở người có tuổi, đặc biệt là chứng cảm lạnh. Khi nghiên cứu hơn 600 bệnh nhân trên 65 tuổi được chăm sóc tại nhà, tiến sĩ Simin Meydani, Đại học Tufts (Mỹ), nhận thấy những người uống vitamin E mỗi ngày ít bị cảm lạnh hơn những trường hợp dùng giả dược. Nguy cơ mắc bệnh giảm tới 20%. Đặc biệt, số bệnh nhân tránh được nguy cơ viêm đường hô hấp trên ở nhóm vitamin E cao hơn nhóm giả dược. Theo Meydani, vitamin E có thể cải thiện hệ miễn dịch của người già, nhờ đó hạn chế đáng kể nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp - những yếu tố làm suy nhược và dẫn tới các biến chứng gây tử vong ở người có tuổi. Tuy nhiên, loại vi chất này không phát huy tác dụng đối với các bệnh viêm đường hô hấp dưới. Thúc đẩy quá trình tạo tế bào máu Tác dụng quan trọng nhất của vitamin E trên cơ thể chúng ta cần được nhắc đến là ảnh hưởng của nó đối với các tế bào máu. Đặc tính chống oxy hóa của vitamin E giúp cơ thể bạn sản xuất ra các tế bào máu đỏ mới và làm cho quá trình này diễn ra trôi chảy. Như bạn đã biết, chức năng chính của các tế bào màu đỏ là cung cấp oxy khắp cơ thể. Khi các mô có đủ oxy, chúng thực hiện chức năng của mình tốt hơn và trạng thái sức khỏe tổng thể của bạn trở nên tốt hơn. Với những tác dụng tuyệt vời kể trên hi vọng bạn có chế độ bổ sung vitamin E một cách thường xuyên và hợp lý. Nhưng bạn nhớ tham khảo ý kiến và theo đơn bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Liều vitamin vàng - Ảnh 4

Làm đẹp da và tóc Hàng ngày, da thường tiếp xúc với ánh nắng có nhiều tia cực tím nên dễ bị hủy hoại, mất tính chun giãn và sạm lại. Dùng kem bôi da có chứa vitamin E sẽ giúp giảm sự bốc hơi nước và giảm mức độ nhạy cảm đối với tia cực tím, chống được sạm da. Ðối với người bị viêm da dị ứng (làm rối loạn màu sắc của da và gây ngứa do da chứa nhiều IgE), vitamin E có tác dụng giảm nồng độ IgE, trả lại màu sắc bình thường và làm mất cảm giác ngứa. Khi có tuổi, da mất tính chun giãn, đồng thời do tác dụng của lượng gốc tự do dư thừa sẽ làm da nhăn nheo, mất độ chun giãn, tóc xơ cứng, giòn, dễ gãy, vitamin E có thể giúp cải thiện tình trạng trên (làm da mềm mại, tóc mượt ít khô và gãy như trước) do đã làm giảm tiến trình lão hóa của da và tóc. Giúp giảm đau bụng kinh Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tarbiat Modarres (Iran) đã đưa ra kết luận trên sau khi tiến hành thí nghiệm trên 100 nữ sinh trung học tuổi từ 16 đến 18, bị đau bụng ở mức nhẹ, vừa và dữ dội khi hành kinh. Một nửa số nữ sinh này đã uống vitamin E trong 2 ngày trước và 3 ngày sau khi bắt đầu hành kinh; những người còn lại được uống giả dược (placebo) với liều lượng và thời gian tương tự. Sau hai tháng, thành viên của cả hai nhóm đều bớt đau bụng so với lúc họ chưa tham gia cuộc nghiên cứu, nhưng mức giảm cao hơn ở những nữ sinh dùng vitamin E. Mức đau trung bình của họ là 3,5 trong khi ở những người dùng giả dược là 4,3 (theo thang mức độ đau từ 0 đến 10).

Hoài Phương