Lo biến thể Covid-19 mới, doanh nghiệp toàn cầu tích trữ "núi" tiền mặt lớn chưa từng thấy
Dữ liệu cho thấy tiền mặt và đầu tư ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp toàn cầu đang ở mức cao nhất lịch sử: 6.840 tỷ USD...
Theo dữ liệu từ S&P Global - tổng hợp từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021 của các doanh nghiệp, các công ty trên thế giới đang tích trữ lượng tiền mặt kỷ lục giữa lúc tình hình bất ổn do những gián đoạn gây ra bởi đại dịch Covid-19.
Thông tin này ngược lại hoàn toàn so với những dự báo hồi đầu năm cho rằng đại dịch suy yếu sẽ giải phóng chi tiêu của giới doanh nghiệp, tờ Wall Street Journal cho hay.
Cụ thể, dữ liệu cho thấy tiền mặt và đầu tư ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp toàn cầu đang ở mức cao nhất lịch sử: 6.840 tỷ USD. Con số này cao hơn 45% so với mức bình quân 5 năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và tăng 2,6% so với quý đầu năm nay.
KHÓ KHĂN CHƯA HẾT, KHÔNG THỂ QUÁ TỰ TIN
Trong báo cáo ngày 6/8, ngân hàng JPMorgan Chase dự báo chi tiêu của doanh nghiệp toàn cầu sẽ giảm trong quý 3 dù có khởi đầu tương đối tốt đầu năm nay. Ngân hàng này dự báo tăng trưởng chi tiêu của doanh nghiệp sẽ giảm xuống còn 5,8% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước, từ mức dự báo 12,9% đưa ra trước đó.
Theo JPMorgan Chase, giới doanh nghiệp đang trải qua một trong những kích thích phục hồi kinh tế mạnh nhất lịch sử với sự kết hợp của hàng loạt gói hỗ trợ tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, nền kinh tế đang xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo và điều này khiến các giám đốc tài chính phải cơ cấu lại nguồn tiền mặt của công ty.
Thời gian gần đây, sự lây lan của các biến thể Covid-19, trong đó có biến thể nguy hiểm Delta, đã khiến nhiều nước như Australia, Israel, Trung Quốc… phải siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại. Đầu tháng này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) đã khuyến cáo người dân tại những khu vực nguy cơ cao đeo khẩu trang trở lại khi đến các không gian công cộng trong nhà.
“Nếu là thủ quỹ của công ty thì hẳn bạn sẽ không muốn quá tự tin lúc này”, Mark Lewellen, Giám đốc phụ trách Thị trường vốn doanh nghiệp tại Deutsche Bank, cho biết. “Nhìn vào tỷ lệ lây nhiễm ở châu Âu có thể thấy con số vẫn đang tăng và có nhiều quan ngại về việc xuất hiện thêm các biến thể Covid-19 khác. Rõ ràng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc”.
Thời gian gần đây, hãng vận hành tàu du lịch Mỹ Carnival Corp. đã dần đưa đội tàu của mình trở lại hoạt động sau thời gian “đắp chiếu”. Tuy nhiên, công ty này hiện giữ khoảng 9 tỷ USD tiền mặt, cao gấp nhiều lần so với khoảng 2-2,5 tỷ USD trước đại dịch. Hiện tại, mới chỉ có 23 trên tổng số 91 tàu của Carnival hoạt động lại.
“Về vấn đề thanh khoản, chúng tôi chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất và kỳ vọng những điều tốt nhất”, ông David Bernstein, Giám đốc tài chính của Carnival, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal. “Chúng tôi nhận ra rằng mọi thứ vẫn tiếp diễn và gián đoạn trong lĩnh vực du lịch có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Do đó, chúng tôi cần duy trì thanh khoản tốt trong dài hạn”.
Hôm 21/7, Carnival đã phát hành 2,4 tỷ USD trái phiếu để trả các khoản nợ lãi suất cao.
Ngành công nghiệp hàng không cũng đang tiếp tục tăng tích trữ tiền mặt. Vào cuối quý 2/2021, hãng United Airlines Holdings nắm giữ 23 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 3,3 tỷ USD so với hồi đầu năm. Hãng hàng không Delta Air Lines cũng mới bổ sung thêm 1,6 tỷ USD vào khối tiền mặt của mình, đưa tổng số lên tới 17,8 tỷ USD. Cùng kỳ năm 2019, hãng này chỉ giữ 3 tỷ USD tiền mặt.
Năm ngoái, giới chức trách Mỹ kêu gọi các doanh nghiệp duy trì dòng tiền mặt bằng cách hủy bỏ các chương trình trả cổ tức và mua lại cổ phiếu trong bối cảnh hoạt động kinh tế bị gián đoạn nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay phát hành trái phiếu để tăng “bộ đệm” thanh khoản. Dữ liệu từ Dealogic cho thấy các công ty phi tài chính tại Mỹ và châu Âu đã huy động kỷ lục 2.400 tỷ USD qua phát hành trái phiếu trong năm 2020.
TIẾP TỤC THẬN TRỌNG TRONG NỬA CUỐI NĂM 2021
Những tháng gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục “nóng”. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp châu Âu đã phát hành 108 tỷ USD trái phiếu lãi suất cao, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tổng giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp Mỹ từ đầu năm cũng tăng hơn 30%. Lượng phát hành "trái phiếu rác" (junk bonds) trong tháng 7 - thường là tháng ít sôi động - cũng lập kỷ lục ở cả Bắc Mỹ lẫn châu Âu.
Trong tháng 7, tập đoàn ôtô Volkswagen Group AG và BMW AG đều phát hành trái phiếu, huy động lần lượt 3 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Trước đó, vào cuối tháng 6, Volkswagen cho biết công ty này đang có 35 tỷ Euro (hơn 41 tỷ USD), tăng gần 88% so với 12 tháng trước. Cùng thời điểm, BMW có 18 tỷ Euro tiền mặt (hơn 21 tỷ USD).
“Các công ty lớn đã tích trữ một lượng tiền mặt lớn thời gian qua”, Marc Baigneres, giám đốc phụ trách tài chính đầu tư khu vực tại JPMorgan Chase, cho biết. "Nhiều công ty trong số này cũng hạn chế chi tiêu kể cả khi tạo ra dòng tiền mặt lớn hơn dự kiến”.
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) hiện đã khởi sắc hơn so với thời điểm giữa năm ngoái nhưng vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch. Theo dữ liệu từ PitchBook, trong quý 2/2021, toàn cầu ghi nhận các thương vụ M&A với tổng giá trị 855 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn mức bình quân 984 tỷ USD các quý năm 2019.
Mặc dù vậy, nỗi lo về các biến thể Covid-19 mới không phải lý do duy nhất khiến các công ty đua nhau phát hành trái phiếu. Một nguyên nhân chính là để tái cơ cấu các khoản nợ hiện có - chiếm tới 42% các vụ phát hành trái phiếu lãi suất cao, theo dữ liệu từ JPMorgan. Ngoài ra, khoảng 28% doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tài trợ cho các thương vụ thâu tóm - xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng cũng yêu cầu tăng hạn mức tín dụng để tăng vị thế thanh khoản. Giới ngân hàng dự báo việc này có thể thúc đẩy doanh nghiệp tăng chi tiêu trong những tháng tới.
Mặc dù vậy, theo Shaunak Mazumder, Quản lý danh mục chứng khoán tại Legal & General Investment Management, báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn còn lo ngại. Họ cho rằng tăng trưởng lợi nhuận có thể không còn như trước. Ông cho rằng hầu hết doanh nghiệp nhìn chung sẽ vẫn thận trọng trong nửa cuối năm nay.