Lo ngại chênh lệch giàu nghèo gia tăng, ảnh hưởng tâm lý kéo dài hậu Covid-19
Đại biểu Cao Thị Xuân nêu thực tế rằng trong khi khu vực thành thị phấn đấu không thanh toán tiền mặt, thì ở miền núi, không ít gia đình khó khăn không thấy mặt đồng tiền...
Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và phòng chống Covid-19 chiều 25/7, đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) bày tỏ quan ngại về những tác động của đại dịch Covid-19 tới các thành phần dân cư khác nhau, trong đó tác động lớn nhất là với nhóm yếu thế trong xã hội.
Theo đại biểu, điều này đặt ra đòi hỏi với Quốc hội, Chính phủ phải hoạch định các chính sách phù hợp, đảm bảo tầm nhìn phát triển của hậu Covid-19.
"Chúng tôi lo lắng rằng, nếu không có các giải pháp mạnh, cụ thể để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu đã được đề ra trong các chương trình mục tiêu quốc gia, thì hậu Covid-19, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng gia tăng", đại biểu bày tỏ. "Nếu nguồn lực không được bố trí đầy đủ để thực hiện các mục tiêu kế hoạch thì chúng ta rất khó thực hiện được mong muốn 'Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau'".
Đại biểu Cao Thị Xuân cho biết đồng bào ở miền núi nhắn nhủ rằng, khi ở thành phố, đô thị, miền xuôi đang đẩy mạnh các giải pháp không sử dụng tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt thì không ít gia đình ở miền núi khó khăn, vùng dân tộc không nhìn thấy mặt của đồng tiền. Nhiều nơi vẫn là cuộc sống tự cấp, tự túc, không có thu nhập và không có giao dịch.
Cũng băn khoăn về những tác động của Covid-19 tới người dân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, đại dịch chưa từng có này Covid-19 đang phá vỡ thói quen sinh hoạt, làm việc, học tập của người dân.
Theo đại biểu, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, cách ly... là biện pháp cần thiết để chống dịch hiệu quả, nhưng chính điều này cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần của con người.
"Đó là sự mệt mỏi, lo lắng, bất an khi chứng kiến dịch bệnh kéo dài, là nỗi hoảng loạn đối với những người mất người thân, sự u uất, chán chường, mất việc làm, mất thu nhập, bị phá sản, những kế hoạch cho cuộc sống bị đảo lộn.Tất cả những điều này tạo thành tâm lý nặng nề mà nếu không được quan tâm đúng mức, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều hệ lụy tiêu cực", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu lấy ví dụ về việc một bộ phận trẻ em không được đến trường lớp và không được vui chơi tương thích với lứa tuổi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm sinh lý.
Do đó, theo đại biểu, song song với việc tìm giải pháp để phát triển, phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan cần có những giải pháp phù hợp để đại dịch Covid-19 không trở thành cuộc khủng hoảng tâm lý xã hội kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, tư duy của nhân dân.
"Đại dịch không chỉ gây thiệt hại cụ thể về kinh tế mà còn để lại ảnh hưởng tiêu cực về lối sống, cách sinh hoạt, tâm lý xã hội của người dân. Vì vậy, cần dự liệu đầy đủ, toàn diện các tác động của dịch bệnh trên mọi mặt và mọi lĩnh vực, kể cả về kinh tế, tâm lý, và xu hướng xã hội để chúng ta có những hướng đi, phương án đầu tư phát triển, phục hồi đúng đắn, phù hợp sau đại dịch", đại biểu đoàn Hải Dương nhấn mạnh.