Loạt cảng biển và nhà máy quan trọng bị tê liệt vì bùng dịch ở Trung Quốc
Dữ liệu từ CNBC Supply Chain Heat Map cho thấy đợt bùng phát ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc hiện tại đang ảnh hưởng tới việc hoàn thành đơn hàng sản xuất của các nhà máy...
Theo CNBC, các nhà quản lý hậu cần đang cảnh báo khách hàng rằng do số ca nhiễm tăng đột biến, nhiều nhà máy ở Trung Quốc không thể hoàn thành đơn hàng, kể cả khi số lượng đơn hàng sản xuất của Mỹ với các nhà sản xuất nước này đã giảm 40% do nhu cầu đi xuống.
“Với 1/2 hay thậm chí 3/4 lực lượng lao động đang bị nhiễm Covid và không thể làm việc, nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc không thể hoạt động bình thường mà phải hoạt động dưới mức công suất tối ưu”, công ty vận tải HLS, có trụ sở tại Hông Kông, cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng. “Hoạt động nhận container, xếp và dỡ container (vận tải đường bộ) cũng đang bị ảnh hưởng khi tất cả doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi Covid”.
HLS dự báo sản lượng sẽ suy giảm sau Tết Nguyên đán bởi nhiều nhà máy đã phải giảm sản lượng khi số ca nhiễm trong lực lượng lao động tăng lên và buộc phải hủy hoặc hoãn các đơn đặt hàng của nửa cuối tháng và đầu tháng 2.
Cũng trong báo cáo, HLS nhấn mạnh rằng: “Tất cả dấu hiệu cho thấy các thành phố của Trung Quốc đang trải qua đỉnh dịch đều dựa trên sự gia tăng của các thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp nhiễm virus, cũng như dòng người xếp hàng để khám sốt tại các bệnh viện trên khắp cả nước”.
Ba cảng biển chính tại Trung Quốc cũng đang gặp phải vấn đề về chuỗi cung ứng. Với cảng Thượng Hải - cảng container số một thế giới, báo cáo của HLS cảnh báo rằng tình trạng hủy chuyến tại đây đang gia tăng do nhiều nhà máy không thể hoạt động bình thường vì nhân viên nhiễm Covid.
Cảnh báo tương tự cũng được đưa ra với cảng Thẩm Quyến - cảng container lớn thứ tư thế giới. Còn cảng Thanh Đảo - cảng biển lớn thứ sáu trên thế giới, được báo cáo là có những nhà máy chỉ còn “1/4 lực lượng lao động và không thể đảm bảo sản xuất bình thường”.
Dữ liệu này hoàn toàn trái ngược với tin tức từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, rằng dịch bệnh đang được kiểm soát. Độ chính xác của dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Trung Quốc công bố ngày càng được theo dõi sát sao trên khắp thế giới.
“Đơn hàng của các nhà máy đã giảm 30-40%”, ông Alan Baer, Giám đốc điều hành của OL USA nói. “Chúng ta phải tính tới tình huống số ca nhiễm tăng mạnh hơn nữa sau Tết Nguyên Đán. Quý 1 sẽ đối mặt thách thức lớn”.
Do tác động của Covid đối với hoạt động vận tải đường bộ, dữ liệu từ nhà cung cấp phân tích hàng hải MarineTraffic cho thấy công suất của các cảng biến ở Thượng Hải đang giảm.
Ông Alex Charvalias, Trưởng nhóm Giám sát Trực quan Quá cảnh Chuỗi Cung ứng tại MarineTraffic, cho biết: “Dù gần đây Trung Quốc đã gỡ bỏ các hạn chế phòng dịch Zero Covid, nhưng tình trạng tắc nghẽn cảng biển ở Thượng Hải dường như tăng lên khi dữ liệu của MarineTraffic cho thấy trong tuần đầu tiên của năm 2023, công suất tàu bình quân chờ ra khỏi cảng là 321.989 TEU. Đây là con số cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 4/2022”,
“Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn ở Ninh Ba và Thanh Đảo cũng đang gia tăng, với công suất tàu bình quân chờ ra khỏi cảng lần lượt là 273.471 TEU và 277.467 TEU”, ông Alex Charvalias cho biết thêm.
Tình trạng tắc nghẽn kỷ lục trước đây xảy ra do các đợt phong tỏa phòng dịch bắt đầu từ ngày 28/3/2022 tới gần giữa tháng 6.
Trong các đợt bùng dịch trước đó, các cảng Ninh Ba và Thanh Đảo được dùng làm phương án thay thế để tránh tắc nghẽn ở Thượng Hải. Theo dự báo của HLS, Ninh Ba sẽ chứng kiến số ca nhiễm đạt đỉnh trong tuần này.