14:03 18/03/2024

Loạt ngân hàng trung ương lớn họp trong tuần này, chính sách tiền tệ sẽ thay đổi thế nào?

Bình Minh

Các cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước bước ngoặt quan trọng về chính sách tiền tệ...

Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.
Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Bloomberg.

Trong tuần này, 5 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ, bao gồm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).

Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước bước ngoặt quan trọng về chính sách tiền tệ, các quyết định về lãi suất và dự báo kinh tế được đưa ra trong các cuộc họp này có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tỷ giá giữa các đồng tiền, sự dịch chuyển của các dòng vốn và giá của các tài sản trên thị trường tài chính khắp toàn cầu.

Bởi thế, các tuyên bố và họp báo sau các cuộc họp chính sách tiền tệ nói trên sẽ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong tuần. Hiện tại, thị trường đang tin rằng các ngân hàng trung ương lớn - ngoại trừ BOJ - sẽ chuyển sang nới lỏng trong năm nay. Riêng BOJ được kỳ vọng sẽ tiến tới chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng còn lại trên thế giới.

Dù vậy, câu hỏi đặt ra là các ngân hàng trung ương sẽ chọn thời điểm nào để đưa ra sự thay đổi chính sách đó. Dưới đây là dự báo mà Octa -  một công ty môi giới chứng khoán quốc tế - đưa ra:

NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NHẬT BẢN (BOJ)

Tuyên bố chính sách tiền tệ của BOJ sẽ được đưa ra vào đầu giờ phiên giao dịch buổi sáng tại thị trường châu Á ngày thứ Ba (19/3). Về cơ bản, thị trường đang kỳ vọng BOJ sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong lần họp này, với lãi suất điều hành ngắn hạn duy trì ở mức -0,1% và mục tiêu lợi suất của trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng BOJ tiến hành nâng lãi suất trong lần họp này, đồng thời cắt giảm chương trình kích cầu kinh tế khổng lồ đã duy trì cả thập kỷ nay. Và trên thực tế, có một vàilý do để kỳ vọng BOJ đưa ra quyết định kết thúc trạng thái lãi suất âm vào ngày 19/3.

Thứ nhất, lạm phát ở Nhật Bản đang tăng khá vững. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi mới nhất của khu vực Tokyo tăng 2,5% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2023. Cùng với đó, CPI lõi toàn quốc tháng 1 cũng mạnh hơn kỳ vọng và đã duy trì trên ngưỡng 2% được gần 2 năm nay. Và thứ hai, một cuộc khảo sát sơ bộ công bố hôm thứ Sáu tuần trước về kết quả đàm phán tiền lương tại các doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản trong năm nay đã cho thấy mức tăng lương mạnh mẽ. Tuần trước, hãng xe lớn nhất nước này Toyota đã nhất trí tăng lương mạnh nhất trong 23 năm cho công nhân viên làm việc tại các nhà máy của hãng.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã nhiều lần phát tín hiệu rằng quyết định giảm bớt độ nới lỏng của chính sách tiền tệ sẽ tuỳ thuộc vào lạm phát tiền lương. Bởi vậy, bước tiến đạt được trong cuộc đàm phán tiền lương năm nay chắc chắn làm gia tăng khả năng BOJ nâng lãi suất, nới lỏng chính sách kiểm soát đường cong lợi suất và cắt giảm chương trình mua tài sản.

Theo nhận định của Octa, nếu BOJ đưa ra một quyết định chính sách cứng rắn vào ngày 19/3, tỷ giá đồng yên Nhật so với USD nhiều khả năng sẽ tăng mạnh lên mức 147 yên đổi 1 USD. Ngược lại, nếu BOJ giữ nguyên trạng chính sách, đồng Yên sẽ giảm giá hoặc ổn định trong khoảng 148-150 yên/USD.

NGÂN HÀNG DỰ TRỮ AUSTRALIA (RBA)

Quyết định lãi suất của RBA cũng sẽ được công bố vào ngày 19/3. Trong lần họp gần đây nhất, RBA giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 4,35%. Theo dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục đi ngang trong lần họp này của RBA. Cũng như nhiều ngân hàng trung ương lớn khác, vấn đề chính của RBA hiện tại là lạm phát còn cao hơn mục tiêu. Tháng 1 năm nay, lạm phát ở Australia tăng tốc lên mức 3,6% từ mức 3,4% trong tháng 12. Trong lần họp trước, RBA thậm chí để ngỏ khả năng tăng thêm lãi suất vì lạm phát chưa giảm như kỳ vọng.

Nếu một quyết định cứng rắn được đưa ra trong lần họp này của RBA, tỷ giá đồng đôla Australia (AUD) so với USD có thể tăng lên mức 0,664 USD/AUD. Ngược lại, nếu RBA phát tín hiệu giảm lãi suất trong mùa hè năm nay, đồng AUD có thể giảm giá hoặc ổn định trong khoảng 0,652-0,66 USD/AUD, theo dự báo của Octa.

CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG MỸ (FED)

Sự kiện quan trọng nhất đối với giới tài chính toàn cầu trong tuần này là cuộc họp của Fed, với quyết định lãi suất được công bố vào chiều ngày thứ Tư (20/3) theo giờ địa phương.

Fed là ngân hàng trung ương của đồng tiền dự trữ số 1 thế giới, đồng USD, nên các cuộc họp của Fed đều thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và chuyên gia. Tuy nhiên, lần họp này của Fed có phần quan trọng hơn bởi Fed sẽ cập nhật báo cáo kinh tế hàng quý. Trong báo cáo này có biểu đồ “dot plot” - bao gồm dự báo của mỗi thành viên Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan ra quyết sách trong Fed, về lãi suất trong tương lai. Mỗi năm, báo cáo kinh tế của Fed được cập nhật 4 lần, mỗi lần đều được thị trường tài chính nghiền ngẫm để định hình kỳ vọng về đường đi của lãi suất.

Trong lần cập nhật gần đây nhất vào tháng 12/2023, có 17/19 thành viên FOMC dự báo Fed sẽ giảm lãi suất trong năm 2024, với tổng cộng 3 lần giảm. Vào ngày báo cáo đó của Fed được công bố, giá vàng đã tăng hơn 2%, tiếp đó tăng thêm 3% nữa trong 10 phiên giao dịch tiếp theo.

Các chuyên gia được hãng tin Reuters khảo sát dự báo Fed giữ nguyên lãi suất ở khoảng 5,25-5,5% trong lần họp này và sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong nửa sau của năm nay, với tổng mức cắt giảm lãi suất trong cả năm là 0,75 điểm phần trăm. Thị trường không cho rằng Fed sẽ “cứng rắn bất ngờ” trong lần họp này, nhưng giới phân tích cho rằng đây là một sự chủ quan vì lạm phát ở Mỹ đang dai dẳng. Các báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) công bố vào tuần trước đều cho thấy lạm phát nóng hơn dự báo.

Nhìn chung, các chuyên gia của Octa dự báo Fed sẽ nghiêng về thận trọng và cố gắng giữ một trạng thái cân bằng mong manh. Một mặt, Fed sẽ đánh giá rằng lạm phát vẫn còn là một vấn đề, nhưng mặt khác vẫn phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất trong năm nay. Dù vậy, giới đầu tư có thể sẽ phải giảm bớt kỳ vọng vào việc Fed bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6. Trong trường hợp như vậy, giá vàng có thể đương dầu áp lực giảm về vùng 2.130-2.140 USD/oz, từ vùng 2.150 USD/oz hiện tại.

NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG THUỴ SỸ (SNB)

Đồng franc Thuỵ Sỹ có thể rớt giá nếu SNB tuyên bố giảm lãi suất hoặc đưa ra một lập trường chính sách mềm mỏng khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Năm (21/3). Tuy nhiên, khả năng SNB hạ lãi suất trong lần họp này chỉ ở mức 33% và thị trường nghiêng về khả năng SNB bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6.

Các nhà giao dịch đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng SNB giữ nguyên lãi suất ở mức 1,75% trong lần họp này vì tốc độ lạm phát hàng tháng ở Thuỵ Sỹ đã tăng tốc lên mức 0,6% trong tháng 2.

NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG ANH (BOE)

BOE sẽ họp vào ngày thứ Năm (21/3) và là ngân hàng trung ương lớn cuối cùng có cuộc họp trong tuần này. Gần đây, tỷ giá đồng bảng Anh đã bứt phá khỏi một phạm vi đã duy trì trong suốt 3 tháng, tăng lên mức cao nhất 8 tháng. Tuy nhiên, đồng bảng lại đang đương đầu với áp lực giảm giá mới do số liệu lạm phát Mỹ nóng hơn dự báo và số liệu thị trường lao động Anh cho thấy dấu hiệu suy yếu.

Theo dữ liệu từ thị trường hoán đổi lãi suất, giới đầu tư đang đặt cược vào khả năng BOE giảm lãi suất tổng cộng 0,6 điềm phần trăm trong năm nay, với đợt giảm đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 8. Lần họp này, BOE được dự báo giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%.