Lợi ích quốc gia luôn là tối thượng
Đảng xác định xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến, tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh
"Đảng xác định xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến, tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, nhưng Đảng cũng kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực của kinh tế tư nhân. Mọi sự phát triển phải tuân thủ nguyên tắc lợi ích quốc gia luôn là tối thượng", ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nêu quan điểm.
Không tuyệt đối hóa
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà nghị quyết đầu tiên của Trung ương dành riêng cho khu vực kinh tế tư nhân lại được đánh số 10, thưa ông?
Nghị quyết số 10 ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một chủ trương lớn.
Với việc đánh số 10 cho nghị quyết này là một sự khẳng định về quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong phát triển kinh tế tư nhân. Số 10 còn thể hiện mong muốn nghị quyết sẽ mang lại những thành tựu có ý nghĩa đột phá như chúng ta đã đạt được như với Nghị quyết về Khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời kỳ đầu đổi mới.
Nghị quyết số 10 lần này cũng phản ánh rõ định hướng của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên trong suốt quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát triển kinh tế tư nhân là một phương thức quan trọng để giải phóng sức lao động, sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển. Đây là lần đầu tiên Đảng xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Với "lần đầu tiên" này, liệu có làm nền kinh tế chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, từ rất cưng doanh nghiệp nhà nước, chuyển sang doanh nghiệp tư nhân?
Các quan điểm của Nghị quyết 10-NQ/TƯ đều là các quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ và đột phá. Khi chúng ta chủ trương như vậy thì cũng phải luôn cảnh giác với mọi biểu hiện sai lệch, dẫn tới tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân. Chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng là phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần và các thành phần kinh tế đều bình đẳng. Mỗi thành phần kinh tế đều có vị trí, vai trò, chức năng riêng của mình trong tổng thể nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cụ thể như tại nghị quyết lần này, chúng ta đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh việc Đảng xác định xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến và tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh thì Đảng cũng kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực của kinh tế tư nhân, nhất là những biểu hiện về chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm hay biểu hiện về thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới trục lợi.
Có nghĩa là dù rất mực tạo điều kiện, nhưng sẽ không có bất kỳ sự nuông chiều nào đối với khu vực kinh tế này?
Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, một mặt chúng ta khẳng định rất rõ vai trò của kinh tế tư nhân, nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào những mặt trái của khu vực kinh tế này để thực thi các giải pháp vừa phát huy được mặt tích cực của kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế - xã hội, cho lợi ích của quốc gia, của dân tộc, vừa hạn chế được mặt tiêu cực, đặc biệt là những biểu hiện mà chúng ta thấy khá phổ biến trong thời gian qua như chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng để trục lợi.
Nước lên thì thuyền lên
Đi qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, chúng ta đang được chứng kiến đất nước có vị thế cao chưa từng có. Với DN tư nhân, có lẽ cũng chưa bao giờ họ có được vị thế như ngày nay, thưa ông?
Chắc chắn là như vậy, nước lên thì thuyền lên. Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - chủ đề của Nghị quyết số 10, là một chủ trương lớn; là kết quả của quá trình đổi mới tư duy phát triển kinh tế và tổng kết thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta, đồng thời, kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại.
Nghị quyết 10 đã mở đường cho việc đưa ra những cơ chế, chính sách mới, phù hợp hơn và đột phá hơn nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo với năng lực cạnh tranh và tác động lan tỏa cao tới các khu vực kinh tế khác, qua đó tới toàn bộ nền kinh tế. Đảng, Nhà nước đã và đang thể hiện sự nỗ lực rất cao trong tạo đà cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và tôi tin cộng đồng doanh nghiệp sẽ không phụ sự kỳ vọng này.
Hiện đã có những con số cụ thể nào minh chứng cho cộng đồng doanh nghiệp không phụ sự kỳ vọng của Đảng và Nhà nước?
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 10, mặc dù vẫn còn có một số hạn chế và chưa thực sự tương xứng với tiềm năng nhưng khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng; đóng góp ngày càng tăng thêm cho phát triển của nền kinh tế và xã hội theo theo hướng nhanh và bền vững.
Số lượng doanh nghiệp gia tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 vào năm 2018 và đạt 743.409 vào cuối quý 1/2019.
Tổng vốn đăng ký mới tăng từ 1.295.911 tỷ đồng vào năm 2017 lên 1.478.100 tỷ đồng vào năm 2018. Mỗi năm (2017 và 2018), có hơn 1,1 triệu việc làm mới được tạo ra.
Tôi vẫn thường thích câu ngạn ngữ Nga, "Ngày đi tháng chạy năm bay/Thời gian nước chảy không quay được về". Thời gian trôi qua rất nhanh, thời cơ phát triển đất nước phải lập tức nắm lấy, nếu không sẽ không còn kịp nữa.
Ông Nguyễn Văn Bình
Riêng quý 1/2019, 375.500 tỷ đồng vốn đầu tư mới và gần 320.000 việc làm mới đã được bổ sung vào nền kinh tế. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động. Phong trào khởi nghiệp nở rộ, với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào năm 2018.
Khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 40% GDP cả nước; tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân (không tính loại hình cá thể, hộ gia đình) đạt gần 12% vào năm 2017, cao hơn mức chung của nền kinh tế cùng năm (6,81%); khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế tập thể chiếm 26% giá trị xuất khẩu, 34% giá trị nhập khẩu, đóng góp 32,26% vào ngân sách nhà nước năm 2017 và 38,20% năm 2018, vượt đáng kể so với mức 29,43% của 2016, là năm chưa ban hành Nghị quyết 10.
Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp tư nhân đang điều chỉnh chiến lược đầu tư và kinh doanh theo hướng bền vững hơn, gắn nhiều hơn với công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc thiết lập trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu và triển khai cũng như hoàn thành được những công trình lớn, phức tạp trong một thời gian tương đối ngắn.
Nhân lên sức mạnh đoàn kết
Đảng ban hành Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân đến nay mới gần 2 năm. Có vẻ như hơi sớm khi lúc này đã tiến hành sơ kết việc thực hiện?
Tôi vẫn thường thích câu ngạn ngữ Nga, "Ngày đi tháng chạy năm bay/Thời gian nước chảy không quay được về". Thời gian trôi qua rất nhanh, thời cơ phát triển đất nước phải lập tức nắm lấy, nếu không sẽ không còn kịp nữa. Trải qua quá trình dài và khó khăn, khu vực kinh tế tư nhân mới chính thức được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Vậy điều này phải ngay lập tức được thực thi để đi vào cuộc sống.
Trong hai năm qua, chúng tôi thấy một điều rất đáng mừng rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai, thực hiện nghị quyết của tổ chức Đảng các cấp, các ngành đã được triển khai khá đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã có sự nỗ lực trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết, cụ thể hóa thành chương trình hành động của mình.
Tất nhiên, kết quả hai năm thực hiện còn tồn tại những hạn chế vì thời gian triển khai thực hiện nghị quyết còn ngắn, trong khi nội dung đều là những vấn đề lớn, có nhiều điểm mới và khó, khối lượng công việc cần triển khai thực hiện nghị quyết nhiều.
Từ điều mà ông thấy rất đáng mừng, có thể khẳng định đây là nghị quyết thể hiện được sự đoàn kết, thống nhất rất cao trong bộ máy chính trị của chúng ta?
Đó cũng chính là lý do để chúng tôi muốn sơ kết 2 năm thực hiện. Sơ kết để lan tỏa, nhân lên sức mạnh của sự đoàn kết. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp cho nghị quyết bước đầu đi vào cuộc sống với việc nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng có liên quan đến phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã được Quốc hội thông qua; các chương trình/kế hoạch hành động về thực hiện nghị quyết đã được Chính phủ; hầu hết các bộ, ban, ngành ở Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban hành và tổ chức triển khai với các nhiệm vụ và lộ trình thực hiện cụ thể.
Cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo thông lệ quốc tế (ASEAN 4); nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được đẩy mạnh và thực hiện một cách quyết liệt từ Trung ương đến địa phương dẫn đến những cải thiện đáng kể trong môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với sự ghi nhận của cả cộng đồng quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp; tinh thần khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang dần trở thành một phong trào rộng khắp; nhiều doanh nghiệp tư nhân đang điều chỉnh chiến lược đầu tư và kinh doanh theo hướng bền vững hơn; doanh nhân đang ngày càng được xã hội coi trọng và tôn vinh...
Những kết quả đạt được đã ngày càng khẳng định tính đúng đắn và sự phù hợp với xu hướng phát triển chung của nghị quyết với tư cách là sự kế thừa và phát triển đường lối lớn về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng ta kể từ khi đổi mới đến nay.