Lợi ích từ việc ăn uống điều độ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hàng ngày, chúng ta có thể ăn nhiều bữa, mỗi bữa ăn ít, không ăn no. Nhưng tựu trung lại, tối thiểu mỗi ngày nên ăn 3 bữa đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Một số người do công việc bận rộn nên họ thường bỏ bữa sáng và đến trưa ăn luôn một thể. Cách ăn uống như vậy rất có hại vì làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Phân bổ bữa ăn hợp lý nhất là: bữa sáng ăn đầy đủ, bữa trưa ăn no, bữa tối ăn ít. Đây cũng là cách phân phối hợp lý các yếu tố dinh dưỡng và nhiệt năng cần thiết cho cơ thể trong một ngày. Phân bổ hợp lý bữa ăn Cụ thể, bữa ăn sáng thường chiếm 30%, bữa trưa 40% và bữa tối chiếm 30% nhiệt năng của cả ngày để thích ứng với tình trạng sinh lý của cơ thể, yêu cầu của công việc và khả năng nâng cao miễn dịch. Tuyệt đối tránh tình trạng ăn uống tùy tiện, lúc bỏ bữa không ăn, lúc ăn ngốn ngấu, no nê. Bởi vì, thức ăn tiêu hóa qua dạ dày và qua tác dụng của mật, dịch tụy và dịch ruột non. Ruột non phân giải protein, chất béo và cacbon hydrat, sau đó các chất này qua thành ruột thấm vào máu, cung cấp chất dinh dưỡng đến tế bào mô và được cơ thể sử dụng, tuy nhiên khả năng của từng giai đoạn trên đều có mức độ nhất định. Chẳng hạn, ở một người trường thành, dịch vị tiết ra mỗi ngày khoảng 1.500 – 2.500ml và 700 - 2.500ml dịch tụy. Nếu dịch tiết quá mức độ này sẽ tổn hại đến chức năng thông thường của các cơ quan trong cơ thể như dạ dày, ruột, tụy, mật… và dạ dày trương lớn sẽ ảnh hưởng đến sự hoạt động của tim, đồng thời nhu động ruột trong dạ dày cũng gặp khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn. Theo đó, toàn bộ chức năng tiêu hóa thông thường sẽ tổn thương, trường hợp nghiêm trọng có thể bị viêm ruột, viêm loét dạ dày và viêm màng tụy cấp…
Nên lựa chọn thực phẩm phù hợp cho các bữa ăn
Dinh dưỡng qua mỗi bữa
Lượng dinh dưỡng đối với người trưởng thành cần phân bổ hợp lý trong bữa ăn. Nhớ rằng, bữa ăn sáng rất quan trọng cho một ngày mới. Bữa sáng bạn nên ăn các thức ăn có chứa chất đường ( như bánh mỳ ngọt), hoặc thịt nạc, hoa quả tươi, nước hoa quả… sẽ có lợi cho hoạt động của não; đồng thời không nên ăn những thức ăn khó tiêu hóa chưa nhiều đạm và chất béo như thịt hun khói. Bữa trưa là bữa ăn bổ sung chính cho năng lượng tiêu hao của cơ thể trong buổi sáng và cung cấp năng lượng cho cơ thể làm việc hết buổi chiều. Vì vậy, bữa trưa nên ăn nhiều thức ăn giàu protein như thịt, trứng, tôm, cá, các loại hải sản và các loại thực phẩm chế biến từ đậu nành. Protein trong những thức ăn này có tác dụng làm tăng acid amin trong máu, đồng thời giúp não nhạy bén, minh mẫn để làm việc trong suốt buổi chiều. Còn bữa ăn tối, chúng ta nên ăn ít hơn, lý do sau khi ăn tối cho đến sáng hôm sau thức giấc, cơ thể con người không vận động, chủ yếu là ngủ, vì thế nhiệt năng cơ thể tiêu hao ít. Nếu ăn nhiều, thức ăn không chuyển hóa thành năng lượng mà chuyển hóa thành mỡ, làm tăng cân. Bữa tối không nên sử dụng thức ăn chứa nhiều đạm và chất béo mà cần ăn nhiều rau, quả và những thức ăn có đường để kích thích cơ thể tiết insulin, giúp tế bào cơ bắp hấp thu nhiều acid amin trong huyết thanh và cung cấp chất triptophan cho não bộ, giúp bạn có giấc ngủ ngon và hồi phục trí nhớ, lấy lại sức khỏe sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi.