07:51 27/07/2018

Lợi nhuận Techcombank bất thường trong kế hoạch

Minh Đức

Là nhân - quả, không có khoản lãi nào tự đến ngẫu nhiên để gọi là bất thường

Techcombank vẫn là ngân hàng thương mại duy nhất tại Việt Nam tạo và duy trì họp báo định kỳ để cập nhật tình hình hoạt động đến thị trường, vì nhiều nội dung không thể hiện trên báo cáo tài chính.
Techcombank vẫn là ngân hàng thương mại duy nhất tại Việt Nam tạo và duy trì họp báo định kỳ để cập nhật tình hình hoạt động đến thị trường, vì nhiều nội dung không thể hiện trên báo cáo tài chính.

Đầu tuần này, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) họp báo công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2018. Đến nay, đây vẫn là ngân hàng thương mại duy nhất tạo và duy trì họp báo định kỳ để cập nhật tình hình hoạt động đến thị trường, vì nhiều nội dung không thể hiện trên báo cáo tài chính.

Với tốc độ thể hiện hai năm gần đây, không bất ngờ khi Techcombank tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân về con số lợi nhuận tuyệt đối với 5.196 tỷ đồng, cũng như có các chỉ số sinh lời đầu ngành.

Tuy nhiên, cấu phần của quy mô lợi nhuận đó có thể tạo băn khoăn về tính bền vững và triển vọng nửa cuối 2018. Tại buổi họp báo, băn khoăn này cũng được phóng viên đặt ra, vì trong cơ cấu thu có những khoản bất thường, cũng như lõi hoạt động tăng trưởng không cao.

Cụ thể, trong cơ cấu thu nhập nửa đầu 2018 của Techcombank ghi nhận 743 tỷ từ chứng khoán đầu tư, 895 tỷ từ bán lại công ty tài chính TCF, thu 471 tỷ từ nợ đã xóa.

Trong khi đó, tăng trưởng dư nợ chốt quý 2/2018 chỉ đạt 4% so với cuối 2017, thu nhập từ phí tương ứng chỉ tăng 8%, hay hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức khá cao với 15,9% phản ánh mức độ khai thác và sử dụng vốn chưa thực sự đẩy mạnh…

Qua những chỉ số và các cấu phần thu trên, có phóng viên hỏi rằng liệu nửa cuối 2018 hạn chế đi những khoản thu nhập bất thường như vậy thì liệu Techcombank có đạt được chỉ tiêu vượt 10.000 tỷ lợi nhuận?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank nêu ý kiến cá nhân rằng, lâu nay người ta vẫn hay dùng thuật ngữ "thu nhập bất thường" để nói về những khoản thu nào đó trong hoạt động ngân hàng và doanh nghiệp, về mặt thuyết minh kế toán… Theo ông, nên chuyển thuật ngữ này thành "thu nhập bình thường".

Bởi vì, trong hoạt động, thu nhập bất thường hầu như năm nào cũng có. Và nó không phải ngẫu nhiên tự đến, mà luôn có trong kế hoạch, có những chuẩn bị trước, gắn với hoạt động của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh bên ngoài để đến những thời điểm sinh lãi và hạch toán.

Ví như năm 2017, Techcombank có khoản thu lớn từ dịch vụ bảo hiểm. Họ dùng khoản này và tập trung tất toán hết nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) trước đây. Từ đó, nửa đầu 2018, ngân hàng hoàn nhập được lượng lớn chi phí dự phòng (chi phí dự phòng giảm tới 56% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với 1.044 tỷ). Đó là nhân - quả, không phải bất thường và ngẫu nhiên.

Về hoạt động lõi, mức tăng trưởng tín dụng rất thấp nửa đầu năm nay của Techcombank nếu tiếp cận lần đầu thì dễ trở nên đáng chú ý. Nhưng với "truyền thống" của ngân hàng này, mức thấp đó là bình thường.

Tại một số thời điểm chốt quý năm trước thậm chí tín dụng của Techcombank còn giảm. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh từng giải thích với VnEconomy rằng, tăng trưởng tín dụng thấp hoặc giảm ở quý đó mang tính thời điểm, do vòng quay vốn và đáo hạn của doanh nghiệp khớp với kỳ chốt sổ.

Mặt khác, vị lãnh đạo này từng nhấn mạnh quan điểm rằng, Techcombank không chọn cách tập trung đi cho vay, mà chủ yếu làm dịch vụ. Riêng phí dịch vụ, chính sách miễn phí nhiều loại giao dịch vẫn đang được áp dụng cũng góp phần giải thích cho mức tăng trưởng thu phí còn khiêm tốn.

Tại buổi họp báo, ông Quốc Anh cũng nói rằng, với hơn 47 nghìn tỷ vốn chủ sở hữu, với CAR đang ở mức cao, huy động tăng trưởng tốt…, thì Techcombank có khả năng về mặt năng lực tăng gấp đôi tổng dư nợ hiện nay. Vấn đề còn lại là lựa chọn và chiến lược của ngân hàng.

Sau chiến lược tập trung mạnh trong 2016 và 2017 dịch chuyển cho vay sang khách hàng cá nhân (với tỷ trọng tăng lên tới hơn 40%), hiện Techcombank đang dịch chuyển dư nợ từ trung dài hạn sang ngắn hạn mà ở đó tập trung hơn ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nếu tháng 6/2017 ngân hàng này vẫn có tỷ trọng cho vay trung dài hạn tới 75%, thì đến 6/2018 đã giảm xuống còn 57%. Tương ứng, tỷ trọng cho vay ngắn hạn đã dịch chuyển mạnh từ 25% lên 43%.

Và như bài viết VnEconomy đề cập gần đây, tương tự như ví dụ chuyển động giảm thiểu chi phí tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tại Techcombank nửa đầu năm nay tiếp tục cho thấy yếu tố công nghệ và cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa sản phẩm dịch vụ đã giúp tiết giảm chi phí hoạt động.

Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) tại Techcombank cuối 6/2018 tiếp tục giảm còn 27,94% (cùng kỳ năm 2017 là 29,09%), là mức thấp nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay.

Triển vọng nửa cuối 2018, bối cảnh đang đặt ra ảnh hưởng chiến tranh thương mại, thậm chí cả vấn đề chu kỳ khủng hoảng 10 năm lặp lại hay không…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Quốc Anh khẳng định, nửa cuối 2018 doanh thu Techcombank sẽ cao hơn nửa đầu năm và khả năng lợi nhuận không đạt chỉ tiêu 10.000 tỷ là không nhiều.

"Trong quản lý ngân hàng phải có khả năng chuẩn bị, đối phó với các tình huống xẩy ra, kể cả khủng hoảng kinh tế. Làm sao để ngân hàng hoạt động tốt nhất, thậm chí ngân hàng còn phải giúp được các đối tác của mình đối phó với khó khăn. Và với việc đa dạng nguồn thu, ngân hàng cũng giảm thiểu được rủi ro nếu có khủng hoảng xẩy ra", Tổng giám đốc Techcombank nói.