15:29 23/03/2015

Lời yêu thương

PV

Lời yêu thương - Ảnh 1
Đôi vợ chồng nào cũng cần đối thoại với nhau, để có thể hiểu và thông cảm nhau. Tuy nhiên, vì không biết cách đối thoại và trò chuyện nên thay vì hiểu nhau và gần nhau, nhiều vợ chồng vì lời nói mà phiền giận nhau và ngăn cách nhau. Nếu muốn hôn nhân được ngọt ngào, tốt đẹp, đường dây đối thoại giữa vợ chồng phải được tốt đẹp. Khi đối thoại bế tắc, vợ chồng không trò chuyện trao đổi với nhau, hôn nhân đó sẽ gặp khó khăn.  Những người mới yêu nhau trò chuyện với nhau rất nhiều. Họ mong gặp nhau mỗi ngày, và khi gặp thì trao đổi với nhau nhiều điều. Lắm khi chỉ nhìn nhau chứ không nói một lời nào nhưng vẫn hiểu nhau và cảm thấy gần nhau. Khi còn là người yêu của nhau, nếu có điều gì hiểu lầm hay phiền giận chúng ta cũng dễ dàng bỏ qua, vì đang sống trong tình yêu và đang cùng hướng đến một mục đích, đó là hướng đến ngày cưới. Tuy nhiên, khi nên vợ chồng rồi, khi có điều buồn giận chúng ta không dễ làm hòa với nhau và vì đời sống bận rộn, chúng ta cũng ít có thì giờ trò chuyện với nhau. Tất cả những điều đó khiến vợ chồng cảm thấy ngăn cách với nhau, và nếu không cẩn thận, sự ngăn cách đó sẽ khiến tình yêu phai nhạt dần và… chết. Tại sao đối thoại quan trọng đối với hạnh phúc gia đình? Nếu nhớ lại những bất hòa xảy ra giữa người này với người kia, chúng ta thấy rằng hầu hết những bất hòa đó xảy ra là vì chúng ta không biết ý nhau hoặc không thông cảm nhau. Nếu vợ với chồng, cũng như cha mẹ với con cái, dành thì giờ trò chuyện, trao đổi với nhau thường xuyên, để mỗi người có thể nói lên những suy nghĩ, ước mơ, chia sẻ những cảm xúc buồn vui, những ưu tư ôm ấp trong lòng, thì sẽ tránh được những hiểu lầm, thiếu thông cảm và ngăn cách. Vấn đề xảy ra vì những lời đã nói hoặc những lời không thể nói. Vì đối thoại giữa vợ chồng quan trọng như thế nên chúng ta cần trò chuyện với nhau thường xuyên, trò chuyện và trao đổi trong tinh thần cởi mở, thành thật; sẵn sàng lắng nghe và thông cảm với những gì người kia nói. Vợ chồng sống với nhau lâu càng cần trò chuyện với nhau thường xuyên hơn, vì khi là vợ chồng rồi chúng ta thường có khuynh hướng không nói chuyện với nhau nhiều như hồi chưa cưới. Các nhà tâm lý học cho biết, khi trò chuyện là chúng ta gởi cho nhau những thông điệp, là điều ta muốn người kia tiếp nhận. Mỗi thông điệp gửi đi thường có ba phần: Câu nói, tức là nội dung sứ điệp; Giọng nói và Cách nói. Cách nói bao gồm nét mặt, cử chỉ và hành động, giống như là đối thoại không lời. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, mỗi khi ta nói một điều gì, câu nói chỉ diễn đạt 7% điều ta muốn nói, giọng nói diễn đạt 38% và cách nói diễn đạt đến 55%. Điều này cho thấy, nội dung câu nói không quan trọng bằng giọng nói và cách nói. Cùng một lời khen hay một lời xin lỗi nhưng nếu giọng nói và cách nói khác nhau, sẽ truyền đi những thông điệp tương phản nhau. Ví dụ, ta nói một câu rất lịch sự, nhưng nếu giọng nói và cách nói không lịch sự, người nghe sẽ cảm nhận ngay là câu nói của ta không lịch sự. Tương tự như vậy, nếu một câu nói chứa đựng những từ yêu thương nhưng cách nói và giọng nói thiếu yêu thương, ta sẽ hiểu ngay là người nói không thật sự yêu thương. Hãy giữ trái tim và cả tâm trí chàng    1. Quan tâm
Hãy để chàng biết rằng bạn quan tâm đến những gì chàng nói. Một người đàn ông sẽ không cởi mở đâu, trừ trường hợp anh ấy biết rằng bạn quan tâm. Một trong những cách tốt nhất để truyền tải thông điệp là qua ngôn ngữ cơ thể. Để chứng tỏ rằng bạn quan tâm, hãy khoanh tay lại, hướng về phía chàng, và để ánh mắt bạn gặp ánh mắt chàng một cách thật tự nhiên. Hãy để chàng biết bạn hiểu được những gì qua lời chàng nói bằng cách gật đầu hoặc nâng cao đôi lông mày. Nếu trông chàng căng thẳng khi kể một câu truyện, bạn cũng phải căng thẳng. Kiểu này giống như "Em cảm thấy những gì anh đang cảm thấy. Em đang đặt em vào địa vị của anh".    2. Không phán xét 
Chẳng có anh chàng nào lại để bạn "chiếm giữ" bộ óc của anh ta nếu anh ta luôn có cảm giác mình sắp bị chỉ trích hoặc bị gán tội. Bạn đừng bao giờ đưa ra những lời bình luận kiểu này: "Tại sao anh lại có thể làm một việc như thế?" hoặc "Em sẽ chẳng bao giờ làm như thế cả". Hãy cho chàng tự do để nói một cách cởi mở và trung thực mà không bị những phán xét của bạn chi phối và bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả. Bạn không nhất thiết phải bỏ qua hoặc tha thứ cho tất cả những gì anh ấy nói. Bạn đơn giản chỉ tạo ra một không khí dễ chịu để anh ấy cảm thấy thoải mái nói ra những gì mình nghĩ.
   3. Đừng hỏi "tại sao" 
Những người bị bệnh tâm lý, trong quá trình điều trị, họ thường được dạy cách đưa ra câu hỏi "tại sao." Vì thế, khi bạn hỏi một chàng trai "Tại sao anh lại làm như thế?" người ta có thể hiểu nhầm thành "Anh có vấn đề gì về… thần kinh không, tại sao anh lại làm như thế?" Và anh ấy sẽ chuẩn bị tư thế "phòng thủ" trước khi bạn kết thúc câu nói. Ngoài ra, từ “tại sao” còn có vẻ rất chỉ trích và tiêu cực. Hãy học cách dùng câu thay thế như "Anh kể tiếp đi" thay vì "Anh làm gì sau đó?"…
   4. "Chúng ta cần nói chuyện" 
Không có việc gì làm chàng ta sợ bằng việc nghe thấy câu "Chúng ta cần phải nói chuyện". Câu nói này hàm ý rằng anh ấy đã làm sai việc gì đó, anh ta có rắc rối, và bạn sắp cho anh ấy đau đầu. Anh ta sẽ tìm cách tránh trước khi cuộc nói chuyện bắt đầu. Cách tốt nhất để "bắt tay" vào một chủ đề quan trọng là hãy làm ra vẻ thật đơn giản, thật tình cờ. Hãy lựa chọn thời gian khi hai bạn đang làm một việc nho nhỏ cùng với nhau như lau nhà, nấu bếp, để bắt đầu câu chuyện. Những việc như thế sẽ giúp câu chuyện bớt phần khó khăn và anh ấy sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn nhớ là đừng 'tiếp cận' khi anh ấy đang làm một việc quan trọng, như chuyện kinh doanh, hay một trận đấu bóng mà đội yêu thích của anh ấy đang có nguy cơ thua cuộc.
   5Lắng nghe thực sự
Vấn đề là bạn luôn ngồi bên khi anh ấy nói, nhưng không phải lúc nào bạn cũng lắng nghe. Đã bao nhiêu lần những thứ khác lởn vởn trong đầu bạn khi ngồi nghe anh ấy nói? Lúc nghe bạn cũng có thể đang nghĩ về những gì mình sẽ nói tiếp thay vì hoàn toàn chăm chú lắng nghe. Điều quan trọng là hãy thực sự lắng nghe, đừng để ý nghĩ của riêng bạn và thế giới bên ngoài chi phối. Đàn ông có thể cảm giác được khi bạn đang thực sự lắng nghe và hiểu mình cần nói gì. Lắng nghe là cách tốt nhất để anh ấy thành thật với bạn.

Lục Ý