LPB dự chi 1.000 tỷ mua trái phiếu trước hạn
Ngày 21/6/2023 tới đây, ngân hàng Bưu điện Liên Việt sẽ chi 1.000 tỷ đồng mua lại lô trái phiếu mã LPBH2224002.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LPBank (mã LPB-HOSE) vừa công bố thông tin về việc mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo đó, ngày 21/6/2023 tới đây, ngân hàng sẽ chi 1.000 tỷ đồng mua lại lô trái phiếu mã LPBH2224002.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ thanh toán 44 triệu đồng tiền lãi trái phiếu đến ngày mua lại trước hạn. Được biết, LPBH2224002 có kỳ hạn 2 năm, được phát hành vào ngày 21/6/2022 tại thị trường trong nước với lãi suất 4,4%/năm.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận việc LPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 11.385 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 tối đa là 3.285 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tối đa là 5.000 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 3.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động của Ngân hàng - ESOP tối đa là 100 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của LPBank thông qua tại Nghị quyết ngày 23/4/2023 và được Hội đồng quản trị LPBank thông qua việc triển khai thực hiện tại Nghi quyết số 733/2023/NQ-HĐQT ngày 05/5/2023.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu LPBank thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cố phần của cổ đông, cố đông và người có liên quan của cổ đông đó theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung) (Luật Các TCTD) và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn điều lệ.
Về kết quả kinh doanh, quý 1/2023, LPBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.566, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước (1.795 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.243 tỷ đồng, giảm 13% so với quý 1/2022 (1.421 tỷ đồng).
Giải trình về việc lợi nhuận trước và sau thuế giảm 13% so với cùng kỳ, LPB cho biết tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, do đó đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trong đó có ngành ngân hàng.
Mặt khác, LPB thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, LPB đã triển khai các chính sách, gói hỗ trợ lãi suất cho vay khách hàng. Trong bối cảnh lãi suất đầu vào huy động tăng cao nên ảnh hưởng một phần đến biên lãi ròng (NIM). Do vậy, thu nhập lãi của Ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên trong thời gian tới, Ngân hàng vẫn luôn theo sát diễn biến thị trường để linh hoạt trong chính sách lãi suất, đảm bảo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước và vẫn ổn định hoạt động kinh doanh.