13:44 28/03/2022

Lựa chọn xét tuyển học bạ, thí sinh cần thêm điều kiện gì để tăng cơ hội vào đại học?

Thanh Xuân

Mùa tuyển sinh 2022, số trường áp dụng phương thức xét tuyển học bạ tăng khá nhiều. Tuy nhiên phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT năm nay được nhiều trường đại học áp dụng với các quy định khác nhau.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm nay, Trường đại học Ngoại thương cũng áp dụng phương thức xét học bạ THPT nhưng chỉ xét với thí sinh có tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải 1, 2, 3 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; học sinh hệ chuyên của các trường THPT trọng điểm quốc gia, các trường THPT chuyên…

ƯU TIÊN HỌC SINH TRƯỜNG CHUYÊN

Trường đại học Luật Hà Nội dự kiến tuyển sinh 2.265 chỉ tiêu hệ đại học, với phương thức xét học bạ thì nhà trường có nhu cầu tuyển 50% chỉ tiêu theo kết quả học tập loại Giỏi của 5 học kỳ bậc THPT (dựa vào học bạ). Tuy nhiên sẽ ưu tiên học sinh các trường THPT chuyên/năng khiếu quốc gia/cấp tỉnh, trường trọng điểm quốc gia chất lượng cao, dự kiến có thể cộng thêm 1-1,5 điểm vào tổng điểm xét tuyển cho những thí sinh này.

Với 4.050 chỉ tiêu, Trường đại học Ngoại thương năm nay tiếp tục giữ nguyên 6 phương thức tuyển sinh như năm 2021. Trong đó, trường sẽ xét tuyển học bạ dành cho 3 nhóm đối tượng: thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia hoặc tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp điểm xét tuyển của trường; thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.

Trường đại học Thương mại năm nay dự kiến sẽ tuyển 4.150 chỉ tiêu tuyển sinh theo 5 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét học bạ dự kiến chiếm 5-6%, trường cũng ra yêu cầu chỉ áp dụng phương thức này đối với các thí sinh là trường THPT chuyên toàn quốc hoặc học sinh các các trường THPT trọng điểm quốc gia.

Trong khi đó, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cũng áp dụng phương thức xét học bạ nhưng với điều kiện như sau: Đối với các ngành đào tạo giáo viên thì thí sinh là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2022 phải có hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT đạt loại tốt và học lực 3 năm đạt từ giỏi trở lên. Riêng đối với ngành sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi; đối với ngành sư phạm Công nghệ điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi.

Còn những ngành khác ngoài sư phạm, thí sinh là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2022 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ và học lực 3 năm ở bậc THPT đạt từ khá trở lên.

Theo đánh giá từ các trường đại học, xét tuyển bằng học bạ cũng là một phương thức tuyển sinh tốt vì học tập là cả quá trình, đòi hỏi học sinh phải phát huy được các phẩm chất, năng lực trong cả một thời gian chứ không chỉ phụ thuộc vào một kỳ thi. Thường tiêu chí để xét học bạ là kết quả học tập 5 kỳ của bậc THPT. Với phương thức xét học bạ, thí sinh sẽ thuận lợi hơn khi nắm bắt cơ hội vào đại học bằng những tổ hợp môn thế mạnh của mình.

Tuy nhiên không ít thí sinh và phụ huynh vẫn chưa hiểu đúng với phương thức xét tuyển học bạ khi cho rằng đây là cách thức xét tuyển "phụ" và thí sinh trúng tuyển không được hưởng các quyền lợi như các phương thức xét tuyển khác. Về điều này các trường khẳng định: phương thức xét học bạ được các trường xét độc lập và có những quy định riêng. Mọi phương thức xét tuyển đều có giá trị như nhau.

ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN THÍ SINH

Liên quan đến xét tuyển học bạ, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Luật Giáo dục đại học cho phép các trường xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả xét tuyển và thi tuyển là quyền của các trường. Những năm trước, việc xét tuyển bằng điểm học bạ THPT chủ yếu ở trường “top” dưới mới áp dụng thì năm nay lại khá phổ biến ngay cả với những trường lớn.

Nhưng hiện nay, các trường không chỉ xét học bạ đơn thuần mà kết hợp thêm các điều kiện khác như là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt… Mặc dầu vậy, để giảm thiểu tối đa những tiêu cực trong việc xét tuyển đại học bằng học bạ, ngành giáo dục vẫn cần ban hành bộ tiêu chí chung trong xét tuyển đại học bằng học bạ và quan trọng là cần bảo đảm để các trường không chạy theo thành tích mà đánh giá sai lệch năng lực học sinh.

Chia sẻ thêm, một số chuyên gia cho rằng: các trường được tự quyết định phương thức tuyển sinh của mình nhưng đối với những trường đã có uy tín, có chất lượng thì khâu tuyển sinh đầu vào rất quan trọng. Muốn giữ uy tín và chất lượng thì phải đạt được những tiêu chí phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của trường. Nếu trường chỉ quan tâm đến số lượng mà không coi trọng tiêu chí chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như uy tín của trường đó.

Vì vậy trong các phương thức xét tuyển hiện nay thì phương thức xét tuyển kết hợp, tức là đưa ra các tiêu chí kết hợp với nhau thường được nhiều trường lựa chọn. Nghĩa là các trường đã hướng đến một nhóm đối tượng là những học sinh có tố chất đặc biệt và họ muốn chiêu sinh được những học sinh đó để đào tạo các em trở thành nhân lực có chất lượng cao.

Tuy nhiên để đảm bảo thì nhiều trường vẫn cần xem xét thí sinh này ngoài yếu tố vượt trội ra thì có học đồng đều hay không. Chứ nếu như chỉ vượt trội thôi mà lại không thể hiện ra được năng lực đồng đều, cũng rất khó trở thành một người để đào tạo tài năng. Cho nên, các trường phải xét năng lực đồng đều, mà thường sự đồng đều đó được thể hiện trong quá trình học tập. Do vậy, việc xét học bạ là để đánh giá tính chất toàn diện, đánh giá thêm các mặt khác của thí sinh, chứ không phải là dùng học bạ làm tiêu chí chính để xét tuyển đầu vào.

Thực tế một số nước có sử dụng xét tuyển học bạ là phương thức chính để tuyển sinh đại học. Sở dĩ họ làm được vì họ kiểm soát được chất lượng đào tạo. Nếu Việt Nam cũng làm được như thế thì các trường có thể yên sử dụng phương thức này. Còn với tình hình hiện nay mà chỉ đơn thuần căn cứ vào điểm học bạ cao, rồi cho thẳng vào đại học thì có đảm bảo về chất lượng đầu vào hay không?.