13:00 03/07/2023

Lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% trong 6 tháng đầu năm

Hồng Vinh

Thủ đoạn lừa đảo trực tuyến không ngừng gia tăng và phức tạp. Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam…

Nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng vừa phát động Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” dưới sự chủ trì, điều phối của Cục An toàn thông tin từ ngày 23/6 - 23/7. 

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. 

Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo…

Một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng - Cục An toàn thông tin.
Một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng - Cục An toàn thông tin.

Điều đáng lưu ý, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin nhận thấy việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội số một cách bền vững.

Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” dưới sự chủ trì Cục An toàn thông tin, phối hợp cùng thành viên Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.

Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các tip hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa. Cục An toàn thông tin rất mong nhận được sự phối hợp tích cực từ phía các cơ quan báo chí để cùng nhau chung tay phòng chống lừa đảo trực tuyến và bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng. 

TÁI DIỄN LỪA ĐẢO GIẢ MẠO WEBSITE, APP DOANH NGHIỆP

Công ty cổ phần MISA vừa cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua website và ứng dụng di động (App Mobile) mạo danh MISA. Cụ thể, MISA nhận được phản ánh website mạo danh có tên miền misavnp.com yêu cầu cá nhân tạo tài khoản, tham gia vào hệ thống dụ dỗ người dùng chuyển tiền giao dịch mua hàng trực tuyến để được nhận hoa hồng nhưng thực chất là chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân kẻ lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Ngoài ra, MISA cũng nhận được phản ánh ứng dụng di động mang tên “Misa” giả mạo, quảng cáo sai lệch kêu gọi cá nhân bỏ tiền đầu tư vào hình thức có tên “gói dữ liệu” để nhận được mức lợi nhuận cao, thậm chí lên tới 40-50%. Ứng dụng mạo danh này đã yêu cầu khách hàng đăng ký tài khoản hội viên và đưa ra những thông tin về chương trình mua “gói dữ liệu”, từ đó thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản.

Website/App lừa đảo giả dạng Công ty cổ phần MISA.
Website/App lừa đảo giả dạng Công ty cổ phần MISA.

Đại diện MISA khẳng định, đây là những hành vi lừa đảo trắng trợn mạo danh MISA, lợi dụng mạng xã hội và công nghệ thông tin tinh vi gây hoang mang và thiệt hại kinh tế cho người bị hại. MISA đã báo cáo hành vi vi phạm trên với Cục An toàn thông tin Quốc gia để xử lý các trường hợp giả mạo này.

Để tránh tình trạng bị lừa đảo, MISA đã khuyến cáo người dùng. Cụ thể:

  • MISA không cung cấp các ứng dụng hay dịch vụ đầu tư vào cổ phiếu, tiền điện tử hay giao dịch tài sản CFD.
  • MISA không liên kết hợp tác với bất kỳ tổ chức hay cá nhân trong nước hay quốc tế nào thực hiện các hoạt động môi giới, phát triển ứng dụng đầu tư sinh lời trực tuyến nào.
  • Các website có tên miền lợi dụng chữ “misa” tương tự như misavpn.com, misasme.com, … nhưng yêu cầu khách hàng phải nạp tiền hay đăng ký tài khoản để xem thông tin đều là mạo danh MISA.
  • Các ứng dụng di động tên có chữ “misa” nhưng không cài từ chợ ứng dụng mà qua link tải file APK, IPA bên ngoài và không thuộc nhà phát triển MISA JSC đều là lừa đảo.
  • Các tài khoản ngân hàng giao dịch có tên chủ tài khoản là cá nhân nhưng tự nhận là tài khoản của Công ty MISA đều là giả mạo với mục đích lừa đảo.
  • MISA chỉ giao dịch với các đối tác khách hàng bằng tài khoản ngân hàng gắn tên định danh chủ tài khoản là Công ty cổ phần MISA.
  • Các ứng dụng di động của MISA chỉ phát hành trên các chợ ứng dụng Apple App Store với hệ điều hành iOS, Google Play Store với hệ điều hành Android và có tên nhà phát triển là MISA JSC.