10:19 06/03/2009

Luật cạnh tranh “khoanh tay” nhìn độc quyền?

Lê Châu

Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày có hiệu lực, nhưng nhiều vụ vi phạm Luật Cạnh tranh vẫn gần như bình yên vô sự

Chống độc quyền ở Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với các quốc gia khác, vì các công ty có được vị trí độc quyền không từ quá trình cạnh tranh, mà do sự ủng hộ của Nhà nước.
Chống độc quyền ở Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với các quốc gia khác, vì các công ty có được vị trí độc quyền không từ quá trình cạnh tranh, mà do sự ủng hộ của Nhà nước.
Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày có hiệu lực, nhưng nhiều vụ vi phạm Luật Cạnh tranh vẫn gần như bình yên vô sự.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 11, Chính phủ đã trình dự án Luật Cạnh tranh để Quốc hội cho ý kiến. Nhiều đại biểu Quốc hội khi đó đã khẳng định như vậy là quá chậm so với gần 20 năm đổi mới.

Với 6 chương, 123 điều khoản, Luật Cạnh tranh là một trong những văn bản luật đồ sộ và có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hướng cho nền kinh tế thị trường ngày càng phức tạp ở nước ta.

Theo tờ trình của Chính phủ, sự cần thiết ban hành Luật Cạnh tranh nhằm tạo công cụ pháp lý hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong kinh doanh. Ngày 1/7/2005, Luật Cạnh tranh chính thức có hiệu lực, với kỳ vọng sẽ góp phần làm thị trường lành mạnh hơn; những hành vi độc quyền trong kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, cộng đồng và người tiêu dùng sẽ bị hạn chế.

Bình yên vô sự khi vi phạm?

Luật Cạnh tranh đã quy định các hành vi gây hạn chế cạnh tranh bị cấm như: thoả thuận ấn định giá, phân chia thị trường lạm dụng vị thế độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm trên 30% thị phần)... để áp đặt giá mua, bán bất hợp lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, năm 2008 đã liên tiếp xảy ra các vụ việc khá điển hình về các vi phạm trên như vụ Hiệp hội Thép Việt Nam ra nghị quyết ấn định giá bán (yêu cầu các thành viên 13,7- 14 triệu đồng/tấn thép), vụ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thống nhất nâng mức phí bảo hiểm lên 3,95%/năm cho tất cả các đối tượng khách hàng. 

Vụ Công ty Cổ phần Xăng dầu Hàng không (Vinapco), lợi dụng vị trí là doanh nghiệp bán nhiên liệu bay duy nhất trên thị trường, đơn phương chấm dứt bán hàng cho Jestar Pacific Airlines...

Theo Luật Cạnh tranh, những doanh nghiệp tham gia “liên minh làm giá” này sẽ bị phạt tối đa 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi.

Năm 2008, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã tham gia giải quyết một số vụ việc liên quan đến pháp luật cạnh tranh như vụ Hiệp hội Thép, Hiệp hội Bảo hiểm, vụ Vinapco không chịu bán xăng máy bay cho Pacific Airlines.

Nhưng đến nay, đã gần một năm xảy ra các vụ việc, Cục Quản lý Cạnh tranh vẫn chưa đi đến một kết luận nào để xử phạt.

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, vụ việc ở Hiệp hội Thép đã dừng lại do doanh nghiệp chủ động xin rút còn vụ việc ở Hiệp hội Bảo hiểm và vụ Vinapco, Cục mới đang hoàn tất hồ sơ để chuyển sang Hội đồng Cạnh tranh xét xử.

Năm 2008, Cục đã tiến hành điều tra thị trường dược, viễn thông, than... Năm 2009, có kế hoạch điều tra thị trường phân phối bán lẻ và hàng điện máy.

Ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, nguyên nhân số lượng các vụ vi phạm xảy ra nhiều gần đây có phần do Luật Cạnh tranh còn mới, các vấn đề vi phạm cạnh tranh, trong đó có nội dung liên quan tới độc quyền còn rất mới mẻ ở Việt Nam.

Thủ tục điều tra khá phức tạp và dài dòng nên không phải doanh nghiệp nào cũng muốn đâm đơn khiếu kiện. Việc điều tra, xử lý các vi phạm còn chậm do năng lực của cơ quan Quản lý Cạnh tranh chưa mạnh, lực lượng điều tra viên còn mỏng...

Muốn hiệu quả, phải làm sao?

Theo TS. Lê Đăng Doanh, chống độc quyền ở Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với các quốc gia khác, vì các công ty có được vị trí độc quyền không từ quá trình cạnh tranh, mà do sự ủng hộ của Nhà nước.

Các chuyên gia và quan chức của Cục Quản lý cạnh tranh cũng thừa nhận, với chế độ sổ sách, kế toán và thống kê hiện nay ở Việt Nam, không dễ để có thể tính toán và xác định thế nào là chiếm lĩnh thị phần, độc quyền hay lạm dụng vị trí thống lĩnh.

Chính vì thế, hiện tượng Luật Cạnh tranh phải “khoanh tay” đứng nhìn độc quyền cũng là một tình trạng dễ hiểu.

“Luật tạo ra cơ sở pháp lý để chống độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, nhưng chống được đến mức nào thì còn tùy thuộc các cơ quan quản lý nhà nước có muốn “đụng” đến những doanh nghiệp mà lâu nay họ thường ủng hộ hay không”, TS. Doanh cho hay.

Cùng đó, Nhà nước chỉ kiểm soát giá đối với doanh nghiệp độc quyền nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích.

Đồng thời một doanh nghiệp chỉ bị coi là độc quyền nếu trên thị trường không có ai cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh.

Vì việc thực thi luật vẫn còn liên quan đến hành chính, các quy định kiểm soát doanh nghiệp thống lĩnh thị trường khá rộng rãi trong khi khái niệm về độc quyền quá hẹp, nên hiệu quả của nó trong thực tế bị hạn chế là đương nhiên.

Khác với các luật về thuế, Luật Cạnh tranh không thể mang lại hiệu quả trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian.

Để luật thực sự đưa vào được cuộc sống, Nhà nước phải tích cực thúc đẩy thi hành Luật Cạnh tranh và phải hành động quyết liệt như đã làm đối với Luật Doanh nghiệp trước đây

Luật gia Vũ Xuân Tiền đã chỉ ra rằng, Luật Cạnh tranh đã bao quát hàng loạt nội dung mới, không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế theo mô hình “con anh, con tôi, con chúng ta” như đã xảy ra trong không ít Luật và Pháp lệnh ở nước ta; Luật Cạnh tranh cũng bao quát một cách toàn diện những vấn đề liên quan đến cạnh tranh trên thương trường...

Mặc dù có những tiến bộ và toàn diện, song để Luật Cạnh tranh đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực là một chặng đường còn rất gian nan.