15:20 25/09/2015

Luật có nên loại trừ quyết định của Thủ tướng?

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ban hành quyết định hành chính

Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ.<br>
Một phiên họp thường kỳ của Chính phủ.<br>
Sáng 25/9, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Ban hành quyết định hành chính. Khẳng định đây là dự án luật rất khó, các ý kiến thảo luận còn băn khoăn về rất nhiều nội dung tại dự thảo luật.

Không lo bị khởi kiện

Một trong các vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, ngay ở ban soạn thảo cũng còn có hai quan điểm. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, luật này không nên điều chỉnh đối với quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bởi, theo quy định của Hiến pháp thì nhiệm vụ, quyền hạn chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là quản lý, điều hành và quyết định những vấn đề có tính chất quan trọng, vĩ mô nên việc ban hành quyết định hành chính cá biệt tác động ra bên ngoài không nhiều.

Các ý kiến này còn cho rằng, khi cần ban hành quyết định hành chính tác động ra bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng đang sử dụng bộ máy tham mưu, đề xuất của các bộ, ngành và của Văn phòng Chính phủ. Quy trình này đã được quy định tương đối chặt chẽ tại các quy chế hoạt động của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

Bên cạnh đó, hiện nay, theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố tụng hành chính thì quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không phải là đối tượng bị khiếu nại, khởi kiện, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Lập luận này được Chính phủ nhất trí và dự thảo luật được thiết kế theo loại ý kiến thứ nhất.

Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai cho rằng, luật cần phải điều chỉnh đối với quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bởi vì, các chủ thể này cũng ban hành, trong đó có quyết định hành chính tác động ra bên ngoài, liên quan đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến lợi ích công cộng.

Cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đề nghị cần cân nhắc không quy định Thủ tướng, Chính phủ là chủ thể ban hành quyết định hành chính tại dự thảo luật.

Vì, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và Thủ tướng là người đứng đầu cơ quan này.

Các chủ thể này ban hành quyết định hành chính, tác động ra bên ngoài, liên quan đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, thậm chí còn có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến lợi ích của nhiều người và thẩm quyền ban hành các quyết định này cũng được quy định trong các văn bản pháp luật, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Phân tích của cơ quan thẩm tra cũng nhận được sự đồng tình của một số ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng nếu không quy định quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng trong luật thì dân sẽ không hiểu.

Không sợ bị kiện vì theo quy định của pháp luật hiện hành thì quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không phải là đối tượng bị khởi kiện, vị này góp ý.

"Quyết định của Thủ tướng quan trọng thế mà lại không đưa vào luật này?", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngạc nhiên.

Rất tham vọng

Dự thảo luật quy định cơ quan ban hành quyết định hành chính chỉ bao gồm cơ quan hành chính nhà nước từ cấp bộ trở xuống.

Tuy nhiên, thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định của pháp luật, chủ thể bạn hành quyết định hành chính rất rộng. Không chỉ bao gồm các cơ quan hành chính nhà nước mà còn các cơ quan, cá nhân khác như Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước....

Nếu điều chỉnh cả các cơ quan này, thì theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường là rất tham vọng. Nhưng tham vọng này, theo nhiều ý kiến thảo luận là chính đáng.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng phải quét hết các cơ quan ban hành quyết định hành chính, và cả quyết định hành chính của Thủ tướng cũng phải được quản lý bằng luật.

Phạm vi điều chỉnh chỉ từ cấp bộ trở xuống thì không ổn, chủ thể chưa đầy đủ và nội dung cũng chưa đầy đủ thì nên gia công thêm, chưa nên xin ý kiến Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện

Giữ nguyên quan điểm phạm vi điều chỉnh chưa nên bao phủ đến các chủ thể như Ủy ban Pháp luật nêu, tuy nhiên Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết ông sẽ báo cáo lại quan điểm cần quy định Thủ tướng, Chính phủ là chủ thể ban hành quyết định hành chính tại dự thảo luật và điều này theo ông là có thể khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, quan điểm về chủ thể ban hành quyết định hành chính không phải của riêng ủy ban này mà một số ủy ban khác của Quốc hội cũng nhất trí.

"Ai ban hành quyết định hành chính thì đều phải chịu sự điều chỉnh của luật này, chưa nên vội lo quyết định của ông này, ông kia bị khởi kiện", Chủ nhiệm Phan Trung Lý nói.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh luật này phải bao quát hết các đối tượng ra quyết định hành chính chứ chỉ nếu điều chỉnh mấy ông trong dự thảo luật thì không đúng nhiệm vụ Quốc hội giao.

Nói rõ là chưa đồng ý trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo báo cáo Chính phủ để làm lại dự án luật, sau đó trình Thường vụ Quốc hội xem xét tiếp. "Tôi nói thật với anh Cường là chưa có luật này cũng chả chết ai", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.