Luật Đất đai (sửa đổi): Đề nghị làm rõ thế nào là “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi thu hồi đất?
Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 7/4, góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới vấn đề đền bù đất sau khi thu hồi...
Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP. Đà Nẵng) đánh giá dự thảo Luật lần này có nhiều bổ sung mới hợp lý, tiếp thu nhiều ý kiến tham gia của nhân dân, đại biểu bày tỏ đồng tình với quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trong đó, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định rõ, khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho nhiều dự án.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể khác đảm bảo định lượng rõ hơn yếu tố “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi bồi thường thu hồi đất.
Cũng tham gia góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) quan tâm tới Điều 86 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
“Để đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ dựa vào thu nhập, mà còn dựa trên nhiều tiêu chí, nên cần nghiên cứu rà soát để quy định một cách toàn diện”, đại biểu nêu ý kiến.
Ngoài ra, đại biểu Huân cũng góp ý về Điều 91, trong đó quy định về việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, có 4 cách bồi thường thi thu hồi đất nông nghiệp, bao gồm bồi thường bằng đất nông nghiệp, hoặc bằng tiền, hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi, hoặc bằng nhà ở. Đại biểu cho rằng cần giải trình rõ lý do bồi thường đất nông nghiệp bằng nhà ở.
Điều 92 về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo quy định, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 90 của Luật này thì được bồi thường về đất theo quy định của Chính phủ.
Đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị bổ sung nội dung về hỗ trợ sinh kế để đảm bảo nguyên tắc giá thị trường, đồng thời lưu ý nơi ở phải được nhận, được đền bù trước khi di dời. Ngoài ra, cần có điều khoản quy định hợp lý, khả thi để tránh hiện tượng nhà quá mỏng trên mặt phố.
Cũng tham gia góp ý tại hội trường về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, phục vu mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
“Đây là vấn đề cần thiết nhưng đề nghị cần tách bạch rõ ràng việc thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ an sinh xã hội, công cộng với thu hồi đất các dự án thương mại, khu đô thị mới. Với các dự án này, nhà đầu tư phải có sự thoả thuận với người dân sao cho phù hợp. Nhà nước không nên thu hồi đất với các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời cần có quy định cụ thể để xác định các trường hợp thu hồi đất sao cho rõ ràng”, đại biểu nêu ý kiến.
Về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Hoà đề nghị quy định về tái định cư cần làm rõ hơn là Nhà nước hỗ trợ tái định cư cần có chỗ ở tốt hơn nơi ở cũ, tuy nhiên “tốt hơn là như thế nào?” thì chưa rõ ràng.
“Nơi tái định cư phải bảo đảm như trong quy định, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch chi tiết và có cấp thẩm quyền phê duyệt, quy định như vậy sẽ phù hợp. Đặc biệt, người tái định cư được quyền chọn chỗ ở trong cùng một địa bàn, cấp quận, cấp huyện hoặc cấp tỉnh để người dân có nhu cầu thiết thực”, đại biểu nói, đồng thời đề nghị trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất thì cần có khu tái định cư trước để người dân ổn định nơi ở.
Về vấn đề bồi thường với đất Nhà nước thu hồi, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng thời gian thực hiện bồi thường và tái định cư là cội nguồn của các khiếu kiện phức tạp.
“Khi tính thời gian thì thực hiện việc tính lãi cho người giao đất, để người được đến bù tích cực trong giải quyết vấn đề. Trong tái định cư cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng hạ tầng, văn hóa, cần có bản cam kết giữa bên sử dụng và bên giao đất để giảm thiểu các vấn đề bất đồng, khiếu kiện phức tạp, đạt được sự hài hòa lợi ích giữa hai bên”, đại biểu Kim nêu ý kiến.
Trong phần giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Ban soạn thảo cố gắng để lượng hóa được nội dung người dân bị thu hồi đất, gồm cả đất sản xuất, đất ở có điều kiện sống gồm cả điều kiện ở và điều kiện sản xuất, có sinh kế phải đáp ứng được ít nhất bằng trước đây.
“Ban soạn thảo quan niệm đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế… chính là những điều kiện sống tốt hơn. Về chỗ ở có diện tích lớn hơn”, Phó Thủ tướng cho biết.
Dẫn chứng các mô hình triển khai bố trí tái định cư hiệu quả, người dân phấn khởi hưởng ứng như tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng cho biết cơ quan soạn thảo cố gắng nghiên cứu để đưa các mô hình này vào trong luật.
Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng nhất là khi đưa ra kế hoạch về sử dụng đất cấp huyện phải đưa ra được kế hoạch về khu tái định cư hay trong quy hoạch về đô thị và dân cư phải xác định khu tái định cư nằm ở đâu. Đồng thời làm rõ, khu tái định cư chính là một khu đô thị trong đó có thực hiện nhiệm vụ cho những người tái định cư, có thể bố trí xen kẽ khu dân cư ngay tại đô thị đó hoặc có thể tạo ra một khu đô thị mới sử dụng luôn hạ tầng và các điều kiện ở đó.
Bên cạnh đó, trong luật cũng tính đến những điều kiện về hạ tầng, khoảng cách, có rất nhiều lựa chọn cho người có đất bị thu hồi không bị thiệt thòi.
“Quan điểm là phải tạo các điều kiện tốt hơn cho người dân. Trong từng dự án phát triển nếu là dự án thương mại, nhà ở thì phải tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận nhà. Các dự án thu hồi đất đều phải có dự án tái định cư được quy hoạch trước, được bố trí để xây dựng hạ tầng, được bố trí để người dân lựa chọn mô hình nhà cửa của mình, kèm theo đó có một bản kế hoạch về đền bù, hỗ trợ. Cùng với đó tính toán trong trường hợp có quỹ để sử dụng cho những người không có điều kiện để sản xuất, sinh kế để có bảo trợ”, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định.