17:09 27/10/2016

Luật hoá xin lỗi oan sai để tránh qua loa, chiếu lệ

Nguyễn Lê

Cơ quan thẩm tra băn khoăn khi dự thảo luật quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật.
Sáng 27/10, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Với nhiều bất cập của luật hiện hành, tờ trình của Chính phủ nêu rõ yêu cầu đặt ra là phải bổ sung quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thiệt hại được bồi thường trong luật hiện hành cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành.

Một số bất cập được Chính phủ đề cập như quy định chưa rõ ràng việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường. Hay trong nhiều tình huống chưa rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường chưa chặt chẽ, thủ tục hành chính còn rườm rà.

Hạn chế tiếp theo được Chính phủ đề cập là trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan gây thiệt hại trong việc xin lỗi, cải chính công khai, đăng báo chưa được quy định cụ thể nên còn hình thức, qua loa, chiếu lệ.

Thẩm tra dự án luật - Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng dự thảo luật đã mở rộng đối tượng được phục hồi danh dự, theo đó bổ sung quy định về phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại trong trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn chung chung, chỉ quy định về hình thức, thời hạn xin lỗi, cải chính công khai; còn trình tự, thủ tục cụ thể thì giao Bộ Tư pháp quy định. 

Ủy ban pháp luật cho rằng, để khắc phục tình trạng “tổ chức xin lỗi, cải chính công khai qua loa, chiếu lệ, không thống nhất” như Chính phủ đã nêu thì cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục xin lỗi, cải chính công khai ngay trong luật này, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Liên quan đến hồ sơ yêu cầu bổi thường, báo cáo thẩm tra cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định về hồ sơ yêu cầu bồi thường còn nhiều nội dung gây khó khăn cho người yêu cầu bồi thường. Chẳng hạn như yêu cầu người bị thiệt hại phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ và thiệt hại thực tế xảy ra, cách tính thiệt hại.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không có khả năng thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật.

Nhìn tổng thể, cơ quan thẩm tra còn băn khoăn khi dự thảo luật quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong từng lĩnh vực cụ thể về quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc các quy định này của dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, bởi quyền được bồi thường là quyền hiến định và không bị giới hạn ở một lĩnh vực, một hành vi hay một trường hợp cụ thể nào. Dự thảo Luật liệt kê các trường hợp cụ thể trong ba lĩnh vực được bồi thường là chưa bảo đảm tính bao quát, đầy đủ. 

Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xác định lại phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong dự thảo luật để bảo đảm tính bao quát, thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.