Luật Quy hoạch: Thảo luận ngày 25, đại biểu nhận tài liệu ngày 24
Dự án Luật Quy hoạch được đánh giá là phức tạp, nhưng Quốc hội có quá ít thời gian nghiên cứu
Không thể thông qua theo dự kiến ở kỳ họp trước, hôm 25/10, dự án Luật Quy hoạch tái xuất nghị trường trong phiên thảo luận toàn thể.
Đây là dự án luật rất phức tạp, theo nhiều ý kiến, có vị đại biểu còn nhấn mạnh là phức tạp nhất từ trước đến nay.
Nhận trước một ngày
Nhưng, bấm nút phát biểu đầu tiên, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nói, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì tài liệu kỳ họp Quốc hội phải gửi đến đại biểu Quốc hội là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
Tuy nhiên, tới chiều 24/10 (sau khi Quốc hội khai mạc được một ngày - PV) thì đại biểu mới nhận được dự thảo luật.
"Tôi đề nghị Chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan phải nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, như vậy đại biểu mới có thời gian nghiên cứu và tham gia góp ý vào dự án luật có chất lượng", đại biểu Xuyển phát biểu.
Với thời gian chưa đầy 24 tiếng nhận được tài liệu, nhiều đại biểu dành sự quan tâm cho điều 30, quy định về quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành.
Đại biểu Xuyền phân tích: điều 30 của dự thảo quy định theo hướng các quy hoạch tích hợp và quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành và việc lập thẩm định phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch này thì áp dụng quy định tại một số điều, khoản khác trong luật. Cho phép áp dụng các quy định của pháp luật chuyên ngành, các luật hiện hành và không phải sửa.
Ví dụ được ông Xuyền nêu cụ thể là quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh được thực hiện theo điều 40 của Luật Đất đai năm 2013 và sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh của dự thảo Luật Quy hoạch.
"Như vậy, Luật Quy hoạch cho phép áp dụng luật chuyên ngành mà cụ thể ở đây là điều 40 của Luật Đất đai, nhưng trong danh mục sửa đổi các luật có liên quan đến để triển khai thi hành Luật Quy hoạch lại vẫn đề nghị sửa điều 40 Luật Đất đai", đại biểu Xuyền băn khoăn.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng cho rằng cần bỏ điều 30 vì việc bổ sung quy định về quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành là không phù hợp với quy định tại điều 5 về hệ thống quy hoạch và không đúng với tinh thần của luật.
Quan điểm khác, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị giữ lại điều 30 vì thực tiễn ở địa phương rất cần đến nội dung của điều này.
Đại biểu Xuân cũng cho biết là rất còn băn khoăn vì luật này liên quan đến nhiều luật mà thời gian không có nhiều để nghiên cứu sâu
"Chúng tôi xin tiếp thu"
Nhận xét đây là một luật khung rõ nét, phức tạp nhất từ trước đến nay, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng vấn đề cốt lõi ở đây chính là kỹ thuật công nghệ và chuyên môn từ đội ngũ chuyên gia hệ thống đến năng lực của các thành viên Hội đồng thẩm định, thẩm tra.
Đặc biệt là do tích hợp đa ngành nên cơ chế làm việc, hợp tác, phản biện, giải quyết các vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích địa phương trong quy hoạch ngành, vùng để lựa chọn phương án hình thành cơ sở dữ liệu tối ưu trong một khoảng thời gian không dài là một thách thức rất lớn.
Theo đại biểu, chỉ có tính độc lập, khách quan và đủ năng lực chuyên môn của các thành viên hội đồng mới không biến luật này thành kết quả của phép cộng các quy hoạch tồn tại hiện nay
Cũng còn rất băn khoăn về tính khả thi, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhận xét, chúng ta đang phấn đấu để có một nền kinh tế thị trường. Nếu chúng ta làm như thế này thì vô hình chung chúng ta đang quy hoạch kinh tế thị trường, tôi nghĩ đây là một điều bất khả thi.
Hồi âm ý kiến đại biểu, về điều 30, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đẩu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: "Một số đại biểu nói, chúng tôi cũng thấy có lý. Chúng tôi xin tiếp thu để nghiên cứu vấn đề này. Nếu được, chúng tôi chuyển điều 30 lên điều 3 để giải thích từ ngữ thì có lẽ phù hợp và chặt chẽ về kết cấu hơn".