Lý do giúp Nhựa Tiền Phong vững vàng trong thách thức
Năm 2018, có lẽ là năm mà các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn
Năm 2018, có lẽ là năm mà các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá nguyên liệu quốc tế tăng cao, tỷ giá ngoại tệ biến động không có lợi cho nhà nhập khẩu mà giá thành sản phẩm bán ra trong nước không thay đổi.
Chỉ cần nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Công ty Cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong: Lợi nhuận thuần về hoạt động kinh doanh giảm từ mức hơn 546,7 tỷ đồng năm 2017 về còn hơn 376,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm từ 492,5 tỷ đồng năm 2017 về 331,5 tỷ đồng trong năm 2018, tức là giảm hơn 161 tỷ đồng, giảm 32,69%, thực hiện chỉ được 94% kế hoạch năm, đã cho thấy mức độ khó khăn lớn thế nào.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2019, bằng những nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp này đã có những đột phá trong tăng trưởng. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2019 đạt hơn 71,62 tỷ đồng, tăng 77,7% so với quý 1/2018 và quý 2/2019 đạt 147,2 tỷ đồng, tăng 34,60% so với cùng kỳ 2018.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của Nhựa Tiền Phong đạt được 2.489 tỷ đồng, tăng hơn 418 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 251 tỷ, tăng 46,4% so với năm 2018.
Theo ông Chu Văn Phương - Tổng giám đốc NTP, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, ký kết như WTO, CPTPP, đến EVFTA… đã nới rộng, xóa bỏ hàng rào thuế quan với rất nhiều loại hàng hóa nhưng đối với sản phẩm ống nhựa thì hàng nhập khẩu hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của NTP, mặc dù nguyên, phụ liệu, thiết bị máy móc phải nhập khẩu gần 100%.
Do tính đặc thù của ngành sản xuất ống nhựa: mỗi thị trường, mỗi quốc gia đều có tiêu chuẩn, phụ kiện khác nhau mà thị trường chính của NTP là tiêu thị trong nước, chính vì vậy, đây là lợi thế của nhà sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu do tiết kiệm được chi phí logistics.
Bên cạnh đó, những lợi thế thương mại do thương hiệu, chất lượng sản phẩm của NTP đã được khẳng định trong nhiều năm qua, việc NTP chiếm lĩnh được trên 60% thị phần ống nhựa tại các tỉnh phía Bắc và khoảng 10% thị phần tại các tỉnh phía Nam đã là minh chứng rõ nét.
Hiện, hệ thống của NTP bao gồm Công ty mẹ tại Hải Phòng, công ty thành viên Nhựa Tiền Phong Miền Trung tại Nghệ An, Công ty liên kết tại Bình Dương và Công ty CP bao bì nhựa Tiền Phong đang hoạt động có hiệu quả khá cao.
Ông Phương chia sẻ, việc liên kết hợp tác với những đối tác lớn như Tập đoàn Sekisui(Nhật Bản), Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã giúp NTP tăng thêm nguồn lực về tài chính, về công nghệ thì việc NTP đầu tư góp vốn với Công ty cấp nước Nam Định, Hà Giang,Thủ Dầu Một… là những bước đi chiến lược trong việc duy trì, phát triển thị trường tiêu thụ.
Mặt khác, tuy NTP là doanh nghiệp đại chúng, nhưng nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này không bị chi phối bởi nguồn vốn xã hội từ thị trường chứng khoán. Hiện, cơ cấu vốn của NTP gồm: 37% là của Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, 15 % là của Sekisui Chemical Co.,Ltd., trên 30 % là của NTP... đây là những nhà đầu tư chiến lược, do vậy, lượng cổ phiếu bán ra, giao dịch trên thị trường chứng khoán là gần như không có, từ đó nguồn tài chính cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh luôn được chủ động.
Năm 2019, Nhựa Tiền Phong đã phát hành hơn 8,92 triệu cổ phiếu mới, thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 10%. Dự kiến sau phát hành, Công ty sẽ tăng vốn điều lệ lên trên 981 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia nhận định, với đà tăng trưởng này, mục tiêu đặt ra doanh thu năm 2019 là 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 8-10%; sản lượng bán hàng đạt 99,2 nghìn tấn và lợi nhuận trước thuế đạt 425 tỷ đồng và mức trả cổ tức là 10% của NTP là hoàn toàn khả thi.